ĐBQH nói về sạt lở và lũ quét: Đừng vì kinh tế mà để lại hậu quả khó lường

Nêu quan điểm sau các vụ sạt lở và lũ quét, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, đại biểu đoàn Thừa Thiên – Huế cho rằng, đừng vì mục đích kinh tế mà để lại những hậu quả khó lường.

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV về tình hình mưa lũ miền Trung trong thời gian qua, đồng thời nói về vai trò của quân đội trong việc cứu hộ, cứu nạn, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, đại biểu đoàn Thừa Thiên – Huế, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, đối với miền Trung, những tháng cuối năm bão kèm mưa lớn hay tập trung vùng từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, đại biểu đoàn Thừa Thiên – Huế. Ảnh: TV

Việc này do đặc điểm của địa hình, ở đây có dãy Trường Sơn giáp Lào và nhiều đèo lớn như Đèo Ngang, Đèo Hải Vân đã tạo ra vùng bão và vùng lũ rất lớn và đây là quy luật của tự nhiên. Vừa qua, nhân dân, hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang như quân đội, công an, dân quân tự vệ và nhân dân… hằng năm đều có phương án nằm trong kế hoạch diễn tập, luyện tập và luôn luôn có lực lượng thường trực ứng cứu, song có những việc bất khả kháng.

Ông Nghĩa cho rằng, đối với Thủy điện Rào Trăng 3, chủ đầu tư đã có tính toán nhiều nội dung, trong đó phải có kinh tế và an toàn nhưng bất ngờ có mưa lớn nhiều ngày ở cả Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.

Hiện tượng sạt lở và lũ quét này cũng không ngờ tới, ví dụ như vị trí trạm 67 có vùng đất rộng trên 5.000m2, cách xa núi khoảng 300-400m, hoặc vị trí đóng quân của đoàn 337 đã ở đây đã ở đây ổn định 30-40 năm rồi nhưng cũng không lường tới được thiên nhiên.

Khu điều hành thuỷ điện Rào Trăng 3 trước và sau khi sạt trượt. Ảnh CTV

“Quan điểm của tôi là chúng ta cần phải tính toán, một là phải có những chiến lược cao hơn nữa, đánh giá thật tốt về những nguyên nhân, cần những phương tiện hiện đại để phát hiện sớm lũ để cảnh bảo cho người dân trong rừng, nếu không cứu được thì phải thả lương thực thực phẩm” – ông Nghĩa nói.

Cũng theo ĐBQH đoàn Thừa Thiên – Huế, cần phải đánh giá được tình hình thời tiết. Cần phát hiện sớm để đề phòng. Và với thủy điện, cần có những đánh giá lại để đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh nhưng vẫn đảm bảo được tính bền vững của thiên nhiên, bền vững của môi trường, làm sao hài hòa. Đừng vì mục đích kinh tế mà để lại những hậu quả khó lường.

“Theo tôi, cần phải có chiến lược của các nhà khoa học cùng với kinh nghiệm thực tế vùng để có chiến lược lâu dài” – ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa nói.