Con đường tê tê trở thành hàng xa xỉ

Bạn sẽ tiêu 450 đô la như thế nào? Số tiền này đủ để mua một chiếc ví cao cấp từ nhà mốt Yves Saint Laurent. Và đây cũng là giá trên thị trường của một kilogam vảy tê tê.

“Vảy tê tê bị buôn lậu theo kiểu như ma túy hơn là ngà voi”, chuyên gia Steve Galster thuộc NGO Freeland giải thích. “Với ngà voi, người mua thích nguyên chiếc. Còn với vảy tê tê, bạn có thể mang theo với số lượng khác nhau, giả làm vảy cá rồi cho vào túi vải và vận chuyển đi đến những nơi rất xa”.

Nhu cầu các bộ phận tê tê ở châu Á nhanh chóng vượt xa nguồn cung từ các quần thể. Hiệp hội động vật học London xếp bốn loài tê tê châu Á (tê tê vàng, tê tê Ấn Độ, tê tê Java, tê tê Philippin) vào nhóm “nguy cấp” hoặc “cực kỳ nguy cấp”.

“Tình trạng buôn bán tê tê ở châu Phi tăng chóng mặt trong những năm gần đây, phần lớn vì 4 loài tê tê châu Á suy giảm”, theo GS. Ray Jansen thuộc Nhóm làm việc về tê tê châu Phi.

Tê tê châu Phi hiện là nguồn vảy lớn phục vụ khách hàng ở Trung Quốc và Việt Nam. GS. Jansen tin rằng thực trạng này bắt đầu được 4 năm nay vì trước đó tê tê bị săn trộm ở châu Phi chủ yếu để lấy thịt, còn vảy bị vứt bỏ.

“Trước đây, hàng đống vảy nằm trơ trọi ở các “cửa hàng” hoặc chợ thịt rừng”, GS Jansen kể. Công nhân châu Á (hiện đã vượt mức 1 triệu người ở 54 nước thuộc châu Phi) đến chợ và nhận ra giá trị của đống vảy bỏ đi. Bốn năm trước, vảy tê tê từ chỗ là đồ bỏ đi đã thành hàng đắt tiền, đồng thời là nguồn thu nhập hoàn toàn mới với người châu Phi.

Tình hình giao dịch thay đổi: vảy lấn át thịt tê tê trong vai trò hàng hóa. Theo Freeland, 97 tấn vảy (tương đương 150.000 cá thể) đã rời châu Phi. “Thật sự khó hiểu,” Jansen chia sẻ.

Khi tê tê suy giảm ở Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á, các băng đảng tội phạm nhòm ngó thị trường châu Phi, cử đại diện tới để làm từ A đến Z các khâu.

Ảnh: SVW

Douglas Hendrie, Giám đốc phụ trách mảng động vật hoang dã thuộc tổ chức phi lợi nhuận ENV ở Việt Nam cho biết từ 2005, tổ chức này lập đường dây nóng để mọi người báo cáo về tội phạm động vật hoang dã ở Việt Nam và cho tới nay, mỗi ngày ENV nhận được tin báo về 5 vụ. Vụ bắt giữ lớn gần nhất diễn ra ngày 31/3 khi giới chức Malaysia bắt được 6 tấn vảy tê tê (tương đương 9.000 cá thể) trên đường từ Nigeria sang Việt Nam.

Báo cáo do TRAFFIC công bố năm 2017 nhấn mạnh đến bản chất toàn cầu của buôn bán tê tê: “Trung bình 33 quốc gia và vùng lãnh thổ dính líu đến buôn lậu tê tê ở cấp độ quốc tế mỗi năm. Đáng lưu ý là mỗi năm lại xác định thêm 27 tuyến buôn lậu mới, nêu bật lên thực trạng buôn lậu động vật hoang dã diễn ra theo những mạng lưới linh hoạt cao độ, thường xuyên thay đổi tuyến đường”.

Một cá thể tê tê xấu số bị người dân địa phương ở Cameroon bẫy rồi bán cho thương lái mang tới Nigeria trước khi chuyển tới Lào, rồi vượt “Tam giác vàng” tới các thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc và Việt Nam.

“Những mạng lưới buôn lậu lớn được tổ chức chặt chẽ thu gom vảy ở châu Phi”, theo GS. Jansen. Các cảng ở Nigerian chịu trách nhiệm cho 70% buôn bán tê tê ở châu lục đen.

“Giống như trò mèo vờn chuột”, Galster giải thích. “Điện thoại thu được từ những kẻ buôn lậu cho thấy cách chúng chọn một tuyến đường hay một quốc gia cho mỗi tuần”. Các băng nhóm đối lập nhau thường cạnh tranh kịch liệt, thậm chí thù địch. “Một số vụ bắt giữ là kết quả từ việc các băng nhóm tố nhau”.

Với trợ giúp từ các tổ chức như Freeland, hải quan châu Á có khả năng triệt phá được nạn buôn lậu tê tê. Theo Galster, hải quan Việt Nam và Malaysia được đặc huấn, còn hải quan Trung Quốc và Hồng Kông “đi đúng hướng”. Các băng đảng bị buộc phải chuyển hàng qua ngả châu Âu, chủ yếu là Đức và Hà Lan.

Vảy tê tê cũng được đưa tới Mỹ – nơi có thị trường cho các bộ phận tê tê và những loài khác. Cuộc điều tra năm 2015 của tổ chức Humane Society International phát hiện ra các sản phẩm “y dược” chứa thành phần từ từ tê tê được bán rộng rãi cả trực tuyến và trên phố.

Các lô hàng khác vượt biên vào Trung Quốc nhưng phần lớn được đưa tới Đông Nam Á, Galster tiết lộ. “Tam giác vàng là một trong rất nhiều điểm xảy ra buôn lậu. Trên thực tế, đa phần các vụ buôn lậu động vật hoang dã ở Thái Lan diễn ra khá ngang nhiên qua cả sân bay, cảng biển và đường bộ cao tốc dưới lớp vỏ là hàng hóa hợp pháp. Chậm nhưng chắc, chúng ta đang bắt đầu khép chặt các ngả, có điều giới buôn lậu luôn tìm ra cách lách qua”.

Báo cáo của TRAFFIC chỉ rõ 10 quốc gia dính dáng nhiều nhất đến buôn lậu tê tê là Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Hồng Kông, Thái Lan, Lào, Indonesia, Mỹ, Nigeria và Đức.

Từ khi đại dịch bắt đầu, vận tải toàn cầu giảm mạnh khiến các vụ bắt giữ tê tê giảm theo. Giới phân tích cho rằng nhu cầu vận tải hàng năm nay sẽ giảm 30%.

“Thời gian này năm ngoái, chúng ta thu được 70 tấn vảy, còn năm nay chỉ 10 tấn”, Jansen chia sẻ.

Nhưng các chuyên gia động vật hoang dã không cho rằng mức độ săn trộm hay tội phạm động vật hoang dã giảm mà thật ra các bộ phận tê tê đang được trữ tại châu Phi và Đông Nam Á.

Douglas Hendrie cho biết năm nay Việt Nam mới bắt được 10 vụ vận chuyển tê tê sống: “Mọi nguồn tin của chúng tôi đều nói rằng Việt Nam “cạn hàng”, thậm chí với cả các bộ phận từ hổ và ngà voi. Tuy nhiên, những nguồn tin ở châu Phi cho biết nạn săn trộm vẫn tiếp diễn, hàng chất đống chỉ đợi ngày được chuyển đi”.

Theo báo cáo của Freeland, các băng đảng tội phạm sẽ tiếp tục thu lợi từ mối đe dọa tuyệt chủng với tê tê: “Những mạng lưới tội phạm có tổ chức thích tình trạng suy giảm quần thể hay thậm chí tuyệt chủng vì như thế sẽ làm tăng giá trị kho vảy tê tê của chúng”.

Đáng chú ý là cũng như dơi, tê tê có mang virus corona. Giả thuyết rằng việc bùng phát virus corona lần này là từ dơi ở chợ hải sản Hoa Nam, Vũ Hán: dơi truyền virus cho tê tê sống ở chợ rồi virus nhảy sang người.

Tháng 6 năm nay, Trung Quốc trở thành tâm điểm vì cấm sử dụng vảy tê tê làm thuốc cũng như gia tăng mức độ bảo vệ các quần thể tê tê bản địa. Hồi tháng 2, nước này cấm tiêu thụ động vật hoang dã, trong đó có tê tê.

Giới vận động tán dương những bước đi đó là chiến thắng nhưng Cơ quan điều tra Môi trường Quốc tế nghi ngờ việc vảy tê tê bị loại bỏ hoàn toàn khỏi các phương thuốc và điều gì xảy ra với những tấn vảy còn lại, có phải đang đợi để được đưa ra thị trường?

Hendrie đã chứng kiến giới trung lưu Việt Nam tăng vọt kể từ năm 1996: “Việc Việt Nam giàu lên từ năm 2000 đến nay cũng như những gì xảy ra với Trung Quốc 20 trước”.

Phần lớn những người tiêu dùng thịt tê tê là các thế hệ lớn tuổi ở TPHCM và Hà Nội: họ vẫn coi đó là một món ăn xa xỉ và để thể hiện vai vế: “Lớp trẻ ngày nay mang tính công dân toàn cầu hơn, lớn lên trong hoàn cảnh của một Việt Nam hoàn toàn khác”.

Có hy vọng rằng thái độ về tê tê đang thay đổi trên khắp thế giới. Hendrie lưu ý “15 năm trước những người giàu ở chỉ có lựa chọn là những món ăn độc lạ, hiện do thực phẩm đa dạng nên nó không còn là lựa chọn duy nhất hay giới hạn nữa”.

“Chúng tôi từng nói rằng – con trai, nếu chúng ta có thể mở một chuỗi nhà hàng nhượng quyền phục vụ món Ấn khắp Việt Nam thì sẽ chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã trong một nốt nhạc”.

Nhật Anh (Lược dịch từ Independent)

Nguồn: