Dùng gió làm ra nước cho vùng nhiễm mặn Ninh Thuận

Sáng 10/9, các thỏa thuận thực hiện dự án dùng gió làm ra nước tại Ninh Thuận được ký kết tại Bộ NN-PTNT với sự tham gia của Đại sứ Bỉ tại Việt Nam.

Lễ ký các thỏa thuận thực hiện dự án dùng gió làm ra nước tại Ninh Thuận được ký kết tại Bộ NN-PTNT với sự tham gia của Đại sứ Bỉ tại Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Các thỏa thuận được ký kết giữa Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT Ninh Thuận và Công ty SUL của Bỉ trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, đại diện Bộ NN-PTNT và Đại sứ Paul Janssen, đại diện cho Chính phủ Bỉ tại Việt Nam.

Phát biểu tại lễ ký, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh điểm lại một số thành công mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời nhắc đến các khó khăn do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến Ninh Thuận và ĐBSCL.

Do đó, ông cho rằng, ngoài nội lực của Việt Nam, việc hợp tác với các tổ chức quốc tế là một ưu tiên để giúp ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Paul Janssen nhấn mạnh, điểm đặc biệt của dự án này là việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để lọc nước, rất thân thiện với môi trường và bền vững.

Ông Janssen cũng chia sẻ, Ninh Thuận là địa phương mà 2 nước đã có nhiều hợp tác để xử lý các vấn đề về nguồn nước và bày tỏ hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều dự án ý nghĩa hơn nữa được thực hiện ở các địa phương khác của Việt Nam.

Các thỏa thuận được ký kết giữa Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT Ninh Thuận và Công ty SUL của Bỉ trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, đại diện Bộ NN-PTNT và Đại sứ Paul Janssen, đại diện cho Chính phủ Bỉ tại Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, tỉnh nhà là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán và xâm nhập mặn. Do đó, tỉnh đã có những phương án để khai thác lợi thế của vùng khí hậu khô, nhiều năng lượng gió và mặt trời để phát triển nông nghiệp, nông thôn, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Trong đó, Dự án “Mô hình thử nghiệm nước từ gió” – WBW (Water by wind), sử dụng ODA của Chính phru Bỉ là bước thử nghiệm nhằm hướng tới mục tiêu chủ động ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu nói trên.

Công nghệ khử mặn được sử dụng trong dự án dùng gió làm ra nước này là công nghệ tiên tiến được vận hành nhờ năng lượng tái tạo như gió và mặt trời, vận dụng lợi thế tự nhiên, thân thiện với môi trường. Từ đó, sẽ tạo ra giải pháp hiệu quả, thích ứng với tình trạng hạn, mặn, giúp sử dụng tài nguyên nước tốt hơn.

Dự án này sẽ được thực hiện tại xã An Hải, huyện Ninh Phước, nơi có 1.000 ha đất nông nghiệp nhưng có đến 50% là đất cát bạc màu và thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp.

Mô hình dùng gió làm ra nước này được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích thiết thự cho người dân trong sản xuất nông nghiệp và cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Các thỏa thuận được ký kết giữa Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ NN-PTNT và Công ty SUL của Bỉ trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, đại diện Bộ NN-PTNT và Đại sứ Paul Janssen, đại diện cho Chính phủ Bỉ tại Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.
Thông tin dự án dùng gió làm ra nước ở Ninh Thuận

“Mô hình thử nghiệm nước từ gió” – WBW (Water by wind) được thực hiện tại xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận sử dụng ODA của Chính phủ Bỉ. Dự án có 4 phần chính là: Phần nổi; Phần tạo, lưu trữ và cung cấp điện; Hệ thống sản xuất nước và Đơn vị kiểm soát trung tâm.

Trong đó, phần nổi được lắp đặt trên sà lan có kích thước khoảng 60x20x5m. Phần tạo, lưu trữ và cung cấp điện hoạt động bằng tua bin gió và tấm quang điện mặt trời với công suất cao nhất vào khoảng 90 kW.

Hệ thống sản xuất nước gồm có đơn vị tiền xử lý thông minh và hệ thống thẩm thấu ngược RO với màng lọc. Công suất ước tính của hệ thống này vào khoảng 400 m3/ngày đêm, có khả năng thích nghi với sự thay đổi của môi trường dựa vào 3 yếu tố: năng lượng từ gió và mặt trời; chất lượng nước đầu vào và nhu cầu về nước sạch.

Cuối cùng, đơn vị kiểm soát trung tâm sẽ kết nối, phân phối điện tới các hệ thống một cách hiệu quả. Toàn bộ hệ thống đều dễ lắp đặt, yêu cầu bảo dưỡng thấp và có thể vận hành, duy trì bởi các cư dân địa phương.