Đắk Nông: Dân tái nghèo ở khu tái định cư vì không có đất sản xuất

Sau khi được “rót” số tiền lên đến 800 tỉ đồng để đầu tư, xây dựng, Khu tái định cư xã Đắk P’lao, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông nhìn khá sầm uất, trông chẳng khác gì phố thị. Thế nhưng, sau 10 năm chuyển về nơi ở mới, phần lớn các hộ dân nơi đây vẫn sống trong cảnh đói, nghèo, canh cánh nỗi lo về cái ăn, cái mặc…

Tha phương, cầu thực

Một ngày đầu tháng 9, chúng tôi có dịp đến thăm Khu tái định cư Đắk P’lao. Đây là thời điểm thời tiết ở Tây Nguyên bước vào mùa mưa, đa phần người dân ở nhà chứ không bận rộn với công việc vườn rẫy. Thế nhưng, khung cảnh nơi đây lại hết sức vắng lặng. Phần lớn người dân đều cửa đóng, then cài di chuyển qua địa phương khác để kiếm cái ăn, cái mặc.

Nhìn từ xa, Khu tái định cư Đắk P’lao nhìn như một khu phố thị sầm uất, thế nhưng phía trong đó là cuộc sống khó khăn, đói nghèo đang bủa vây lấy người dân nơi đây. Ảnh: Bảo Lâm

Hộ gia đình ông K’Siêu được bố trí về ở tại Khu tái định cư xã Đắk P’lao. Thế nhưng, nhiều năm qua, ông K’Siêu không ở nơi đây mà tiếp tục  bám trụ tại xã Đắk Som để làm rẫy, mưu sinh. Khu vực mà ông K’Siêu đang ở nằm trong vùng quản lý của Vườn Quốc gia Tà Đùng, gần nơi ở cũ mà trước đây gia đình ông bị giải tỏa để làm dự án thủy điện. Nơi mà ông K’Siêu đang bám trụ cách nơi ở mới được cơ quan chức năng bố trí gần 40km.

Sau 10 năm tha phương, cầu thực, con của ông K’Siêu đã lập gia đình, tách làm hai hộ. “Mình ở trong này thấy ổn hơn khu tái định cư vì nơi đây có rẫy, có nước sinh hoạt đầy đủ. Ngoài khu tái định cư mới thiếu đất sản xuất, nên mình chỉ để mấy đứa con ở đó để học tập cho thuận lợi thôi”, ông K’Siêu tâm sự.

Ông K’Siêu không thể lạc nghiệp ở Khu tái định cư Đắk P’lao mà phải mưu sinh, bám trụ ở cách xa gần 40km. Ảnh: Bảo Lâm

Dẫn chúng tôi đi thực tế, một cán bộ Vườn Quốc gia Tà Đùng tâm sự: Bà con ở đây chỉ canh tác trên phần diện tích nương rẫy cũ đã giải tỏa và thuộc Vườn Quốc gia Tà Đùng. Số người, số hộ cứ ngày một tăng lên, trong khi diện tích đất sản xuất có giới hạn nên gây áp lực về phá rừng”…

Hiện nay, 48 hộ dân ở Vườn Quốc gia Tà Đùng ở lọt thỏm dưới chân núi, nhưng nơi đây có đầy đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất. Cách đó không xa là Quốc lộ 28 cắt ngang, hướng về tỉnh Lâm Đồng. Với điều kiện sản xuất ổn định và thuận lợi về giao thông, nên nhiều năm qua, những hộ dân này đã bám trụ trong rừng để sinh sống.

Không riêng gì những hộ dân nơi đây, hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ gia đình khác ở xã Đắk P’lao không định cư ở khu tái định cư có giá trị hàng trăm tỉ đồng mà phải tha phương cầu thực.

Gần 60% hộ nghèo, cận nghèo

Cách đây 10 năm, ông K’long cùng với hơn 500 hộ dân khác đã đến Khu tái định cư xã Đắk P’lao để sinh sống. Thế nhưng, bấy nhiêu năm qua, gia đình ông K’Long vẫn thuộc diện hộ nghèo. Ngoài căn nhà nhỏ được xây dựng theo diện hỗ trợ tái định cư thì gia đình ông cũng chỉ làm thêm được căn bếp nhỏ và khu vực nuôi gia cầm.

Chia sẻ về nơi ở mới, ông K’Long cho rằng, gia đình hiện rất khó khăn: “Ra tới đây, gia đình tôi được cấp 4 sào đất rẫy, rồi khai hoang và mua thêm được 6 sào nữa. Thế nhưng, đất ở vùng này dốc, cằn, lại thiếu nước tưới nên cả năm vừa rồi gia đình chỉ thu được một tấn cà phê. Với số tiền được đền bù còn dư một ít thì cả nhà 5 người chỉ tiêu được vài năm là hết sạch”, ông K’Long phân trần.

Nói về nơi ở cũ, ông K’Long trở nên hào hứng hơn. Theo ông, trước đây, gia đình có hơn 2 ha rẫy, mỗi năm trừ chi phí cũng còn 2 tấn cà phê. Ngoài ra trong vườn có bó rau, con cá, con gà, trái cây gia đình đưa ra quốc lộ ngồi bán cũng có thêm chút thu nhập; thế nên, cả gia đình 5 người sống cũng tạm ổn. Trước đây, đất rẫy gần nhà, đi làm rất thuận lợi…, còn giờ đây, mọi thứ khác hẳn, khó khăn hơn rất nhiều.

Nhiều hộ dân vẫn sống trong Vườn Quốc gia Tà Đùng mà không ra ở Khu tái định cư xã Đắk P’lao. Ảnh: Bảo Lâm

Ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: “Đã 10 năm, qua rà soát toàn bộ thì khu vực Đắk P’lao đang còn thiếu hơn 200 ha đất sản xuất của người dân. Việc bố trí đất sản xuất là một trong những vấn đề trăn trở nhất ở địa phương những năm qua”.

Theo ông Thuần, đến nay huyện đã rà soát, thu hồi diện tích đất trong quy hoạch của dự án để sớm cấp cho các hộ dân còn thiếu đất canh tác. Tuy nhiên, để cấp đủ đất cho người dân, mỗi người 1ha theo tiêu chuẩn là rất khó.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đắk P’lao, hiện có 841 hộ dân nhưng số hộ nghèo và cận nghèo toàn xã lên tới 437 hộ nghèo, cận nghèo, chiếm tỷ 58,57%. Cái khó nhất của địa phương là tìm giải pháp để thoát nghèo. Thực tế, cả xã còn nhiều hộ dân chưa được cấp tái định canh, nên đời sống rất khó khăn. Ngay cả những hộ được cấp đất sản xuất thì cũng chỉ mới cấp được 4-5 sào, bằng khoảng một nửa so với quy định. Cũng vì có nhiều hộ dân còn thiếu đất sản xuất, nên câu chuyện thoát nghèo luôn là vấn đề thường trực ở địa phương.

Nhiều hộ gia đình mặc dù được bố trí tại định cư tại xã Đắk P’lao nhưng phải cửa đóng, then cài nhưng phải tha phương, cầu thực ở địa phương khác. Ảnh: Bảo Lâm

10 năm là quãng thời gian dài đủ để các gia đình có thể ổn định cuộc sống ở nơi ở mới. Thế nhưng, kết quả là đời sống người dân nơi đây vẫn chồng chất khó khăn. Thậm chí nhiều gia đình đã bắt đầu nghỉ đến chuyện đi tìm nơi ở mới để cải thiện cuộc sống.

Điều đáng lưu tâm, tổng kinh phí cho dự án tái định cư Đắk P’lao lên đến 800 tỉ đồng, tức bình quân khoảng 1,5 tỉ đồng mỗi hộ, con số rất lớn đối với người dân vùng sâu, vùng xa.