Các ngân hàng phải chịu trách nhiệm về nạn phá rừng ở Đông Nam Á

Các công ty gây rủi ro phá rừng ở Đông Nam Á có xu hướng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay. Theo quan điểm đòn bẩy, các ngân hàng có thể bị coi là đối tượng phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với hành vi phá rừng và các hành vi vi phạm liên quan do khách hàng gây ra.

Gần đây, các sáng kiến như Nhóm làm việc về minh bạch thông tin tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD) và Nguyên tắc hoạt động ngân hàng có trách nhiệm (PRB) thu hút hàng trăm định chế tài chính khắp thế giới ký cam kết thực hiện các hoạt động cho vay phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận chung Paris, tuy nhiên, các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu trên thực tế chưa tương xứng với tinh thần này.

Trong phạm trù bền vững, nhiên liệu hóa thạch và các giải pháp thay thế bằng năng lượng tái tạo thường được chú ý hơn trong khi phá rừng (cùng với bảo vệ và phục hồi rừng) gần như không được xem trọng nhiều dù đây là lĩnh vực đóng góp khí thải nhà kính lớn thứ hai sau ngành năng lượng.

Chỉ 12 ngân hàng ký kết Thỏa thuận hàng hóa mềm – sáng kiến nhằm mục đích không để mất rừng thông qua cấp vốn cho chuỗi cung ứng kể từ khi ra mắt vào năm 2010.

Ở Đông Nam Á, khu vực cùng với Trung Phi và Amazon được coi là điểm nóng của vấn nạn phá rừng trên thế giới, chỉ 9% các ngân hàng áp dụng chính sách Không phá rừng, Không than bùn, Không khai thác (NDPE) dưới nhiều hình thức khác nhau, theo nghiên cứu của WWF. Đáng chú ý là việc thực hiện các chính sách này còn chậm và chắp vá.

Rừng cọ dầu nhìn từ trên cao. (Ảnh: Creative Commons)

Những ngân hàng có mối quan hệ với các doanh nghiệp ngành lâm nghiệp (dầu cọ, bột giấy và giấy, cao su và gỗ) tiếp tục cấp vốn cho các công ty tài chính liên quan đến nạn phá rừng và nhiều vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG) như đốt rừng bất hợp pháp, xung đột quyền đất đai, tránh thuế và tham nhũng, dù biết điều đó vi phạm cam kết chính thức, chính sách của chính họ và ngó lơ áp lực quốc tế.

Báo cáo năm 2019 của Forest 500 cho thấy hơn 1/3 trong số 150 định chế tài chính không có chính sách nào về phá rừng nhưng trên thực tế, một vài ngân hàng thậm chí còn loại bỏ các thông tin công bố trước đó.

Tuy nhiên, các cam kết trên giấy không mấy có ý nghĩa nếu thiếu những thay đổi tích cực rõ ràng trong danh mục đầu tư của các nhà tài chính. Một trường hợp điển hình: theo Forest & Finance, từ năm 2017 đến tháng 8/2019, các ngân hàng Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn nhất (22%) trong việc cấp vốn mới cho các công ty có rủi ro gây phá rừng được giao dịch công khai với tổng trị giá 23,1 tỷ USD.

Trong cùng thời gian, các tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ, Mizuho và Sumitomo Mitsui – tất cả đều có các chính sách cụ thể về lĩnh vực lâm nghiệp – đã tài trợ cho một số công ty dính líu đến các vi phạm NDPE lớn ở Indonesia, bao gồm Sinar Mas Group, Royal Golden Eagle Group và Salim Group: 1,3 tỷ USD được chuyển cho các doanh nghiệp này chiếm 26% tổng tài trợ (5,1 tỷ USD) từ các ngân hàng Nhật Bản.

Về bản chất, bằng cách cho công ty có rủi ro phá rừng thể tiếp cận được với nguồn tài chính bất kể hồ sơ theo dõi ESG như thế nào, các ngân hàng đang duy trì và ngấm ngầm hợp pháp hóa việc khách hàng dính dáng vào phá rừng cũng như các hành vi bất hợp pháp liên quan.

Việc chấp thuận ngầm này khiến các ngân hàng có rủi ro thiệt hại nghiêm trọng về danh tiếng, đặc biệt là khi quyết định cho vay thực tế trái ngược với các cam kết đã nêu của họ trước đó.

Nhìn chung, rủi ro tài chính phát sinh do không tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững ngày càng trở nên quan trọng hơn khi các sáng kiến quản lý và đa ngành về tài chính bền vững lan khắp toàn cầu.

Ở Đông Nam Á, các công ty lớn gây rủi ro phá rừng chủ yếu là những doanh nghiệp tư nhân theo hướng gia đình, phụ thuộc vào nợ để duy trì hoạt động. Các doanh nghiệp niêm yết đại chúng chủ yếu là các cổ phiếu vốn vừa và nhỏ, giao dịch ít với giá trị rất thấp. Ví dụ tại Bursa Malaysia, chỉ có 8/44 công ty trồng rừng niêm yết là có vốn hóa lớn.

Nhìn chung, các công ty gây rủi ro phá rừng duy trì mức vay nợ cao. Đối với các công ty hoạt động vi phạm chính sách NDPE, vay ngân hàng và bảo lãnh phát hành chứng khoán thường trở thành những kênh cấp vốn duy nhất.

BLD Plantations Berhad (BLD) là ví dụ. Tập đoàn dầu cọ Malaysia này không phải là thành viên của Hội nghị bàn tròn về Dầu cọ bền vững (RSPO) và là một trong những thủ phạm phá rừng hàng đầu trong khu vực.

Mặc dù là công ty giao dịch đại chúng, BLD rõ ràng không thu được giá trị đáng kể từ vốn chủ sở hữu. Vốn hóa chỉ đạt mức 132 triệu USD, công ty này thuộc sở hữu của ban giám đốc – những người gián tiếp nắm giữ hơn 90% cổ phần công ty; kết quả là khối lượng giao dịch không đáng kể.

Mọi hoạt động hàng ngày trông vào các khoản vay ngân hàng do số dư tiền mặt không đủ trả các khoản nợ ngắn hạn. Với tỷ lệ đòn bẩy tài chính trên 60%, công ty liên tục đảo nợ để duy trì hoạt động và đối phó với tỷ suất lợi nhuận âm.

Chừng nào các ngân hàng tiếp tục cho những thủ phạm phá rừng như BLD vay mà không liên quan đến hành vi phạm tội, các công ty gây rủi ro phá rừng sẽ thiếu động lực để nâng cao hiệu quả hoạt động ESG.

Mặt khác, nếu ngân hàng tiến hành kiểm tra tính bền vững thiết yếu, các công ty như BLD có thể bị phạt tiền ở mức cao hơn hoặc đối mặt với nguy cơ mất hoàn toàn các nguồn cấp vốn. Điều này sẽ buộc họ phải lo ngại do gần như phụ thuộc tuyệt đối vào các khoản vay ngân hàng.

Thời kỳ cháy rừng hàng năm ở Đông Nam Á lại đến. Tình trạng phá rừng năm ngoái lẽ ra phải là một lời cảnh tỉnh cho cộng đồng tài chính để thay đổi các hoạt động kinh doanh thông thường.

Các ngân hàng hiện đang thực sự tụt hậu trong quá trình chuyển đổi toàn cầu sang kinh tế bền vững. Ngân hàng rất ít khi hoặc không sử dụng các can thiệp tài chính thực tế, đặc biệt là về vấn đề phá rừng khiến những lời hứa đưa ra trở nên vô giá trị.

Do đó, các ngân hàng không hoàn thành trách nhiệm ủy thác cho nhiều bên liên quan, mặc dù thực tế là họ có đòn bẩy đáng kể đối với hầu hết các công ty gây rủi ro phá rừng nằm trong danh mục đầu tư. Có lý do để tin rằng các tiêu chí cho vay chặt chẽ hơn có thể thúc đẩy bên đi vay thay đổi tích cực hơn nhiều so với các sáng kiến thuần túy do nhà đầu tư dẫn dắt.

Thế Anh (Theo Eco Business)

Nguồn: