Nhà máy sắn đầu độc sông Hồng

ThienNhien.Net – Hàng chục năm hoạt động, sản xuất chế biến sắn cũng là chừng ấy thời gian nhà máy sắn Văn Yên (đóng tại thôn Cầu Khai, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) thuộc công ty Cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái xả nước thải ra sông Hồng, gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù bị ngành chức năng xử phạt và nhắc nhở nhiều lần nhưng tình trạng gây ô nhiễm môi trường trên vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Nhà máy sắn Văn Yên. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Nhà máy sắn Văn Yên. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Coi thường sức khỏe người dân

Theo phản ánh của người dân, trong quá trình hoạt động, nhà máy sắn Văn Yên không tuân thủ đúng quy trình, xả thải chưa được xử lý triệt để ra môi trường bên ngoài nên gây ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Theo khảo sát, nguồn nước ở các giếng khơi khu vực xung quanh nhà máy đều có mùi thum thủm đặc trưng của nước thải nhà máy sắn khiến người dân không khỏi lo ngại về sức khỏe của họ. “Nhà máy hoạt động nhiều năm nay tạo nhiều công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương đó là việc rất tích cực. Nhưng cách họ xả thải ra môi trường, coi thường môi trường và sức khỏe của người dân xung quanh thì không thể nào chấp nhận được”. – Bà Liên, một người dân sống gần nhà máy than thở.

Theo quan sát của chúng tôi, các hố chứa nước thải của nhà máy này được đào đắp khá sơ sài. Dưới hố chứa chất thải, nước thải đen kịt, nổi váng sặc mùi hôi thối. Tại cống xả thải ra sông Hồng, chúng tôi quan sát thấy dòng nước thải khổng lồ cũng màu đen kịt, chảy cuồn cuộn xuống sông Hồng khiến nguồn nước sông Hồng khu vực cũng biến thành màu đen đục. Theo lãnh đạo nhà máy, mỗi ngày đêm nhà máy xả ra sông Hồng khoảng 2000 m3 nước thải từ hoạt động chế biến sắn. Như vậy, mỗi năm lượng nước thải của nhà máy sắn Văn Yên hòa vào dòng sông Hồng là cực lớn.

Cũng theo người dân phản ánh, từ khi nhà máy sắn Văn Yên đi vào hoạt động, nguồn lợi thủy sản trên sông Hồng như tôm, cua, cá… ở khu vực xung quanh nhà máy và vùng hạ lưu bị suy giảm hẳn.

Thừa nhận vi phạm

Trao đổi về vấn đề bảo vệ môi trường của nhà máy Sắn Văn Yên, ông Vũ Văn Thục, Phó Giám đốc Công ty CP Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái cho biết, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy sắn chỉ đáp ứng được 50% số tiêu chí của Bộ tiêu chí tiêu chuẩn chất thải công nghiệp mà ngành chức năng quy định. “Nước thải của nhà máy xả ra Sông Hồng có mầu hơi đen, mùi hôi. Một số giá trị hàm lượng nước thải còn cao hơn giới hạn cho phép. Nhà máy đã từng bị Tổng cục môi trường phạt 50 triệu đồng vì xả nước thải chưa đạt chuẩn…”, ông Thục thẳng thắn thừa nhận.

Tại phần kết luận về môi trường nước của Báo cáo chương trình giám sát môi trường đợt 2 năm 2014 (tháng 12-2014) đều kết luận: “Nước thải trước hệ thống xử lý, nước thải sau hệ thống xử lý đều có giá trị hàm lượng các thông số đã phân tích có thông số TSS, COD, BOD5, Coliform cao hơn giới hạn cho phép. Nước thải sau hệ thống xử lý, mẫu nước có màu đen, đục, nhiều cặn, mùi hôi…”.

Ông Nguyễn Đức Dục- Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Yên Bái cho biết, nhà máy sắn Văn Yên là 1 trong 13 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của tỉnh Yên Bái. Còn ông Hà Mạnh Cường- Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho rằng, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái phối hợp với Bộ TN&MT đã kiểm tra. Bộ cũng đã lấy mẫu phân tích, hiện nay chưa kết luận. Trước đó, Sở TN&MT kiểm tra lấy mẫu thì nhìn chung hiệu quả xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu.

Được biết, ngày 01-10-2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1788/QĐ-TTg Phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020. Trong đó, Nhà máy sắn Văn Yên nằm trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được rà soát, thống kê và phê duyệt tiến độ xử lý ô nhiễm triệt để đến năm 2015.

Hi vọng, ngành chức năng tỉnh Yên Bái, lãnh đạo Nhà máy sắn Văn Yên sớm có biện pháp chấn chỉnh tình trạng gây ô nhiễm môi trường để trả lại môi trường trong sạch cho dòng sông Hồng và người dân địa phương.