Bảo vệ đàn Voọc Hà Tĩnh tại Hướng Hóa – Quảng Trị sau vụ cắn người

Hôm 13.8, các báo đồng loạt đưa tin, tại vùng rừng bản Cha Ly và Sê Pu (xã Hướng Lập- Hướng Hóa, Quảng Trị) xuất đàn Voọc Đen gáy trắng (hay còn gọi là voọc Hà Tĩnh) rượt đuổi, cắn trọng thương 3 người trên địa bàn.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền xã Hướng Lập đề xuất 2 phương án là “bắn súng chỉ thiên” và “thuê chuyên gia bắn thuốc mê bắt để thả lại vào trong rừng sâu, xa khu vực dân cư sinh sống”.

Voọc Đen gáy trắng (Hà Tĩnh) được phát hiện tại vùng rừng núi Hướng Hóa là loài hiền lành, nhút nhát (Ảnh: Green Việt)

Ứng phó với vấn đề này, ngày 12.8, ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND Huyện Hướng Hóa, giao Hạt Kiểm lâm huyện chủ trì, phối hợp với Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bắc Hướng Hóa, tổ chức xua đuổi các cá thể voọc quay lại rừng nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn.

Cha Ly và Sê Pu là khu dân cư vùng đệm xung quanh khu BTTN Bắc Hướng Hóa, giáp ranh với tỉnh Quảng Bình. Có nhánh đường Hồ Chí Minh chạy ngang qua khu BTTN. Đây là khu vực đồi núi thấp, rừng đã bị người dân khai phá để làm nương rẫy, xen lẫn một ít rừng già, nên vẫn còn vài quần thể nhỏ loài voọc Hà Tĩnh đang sinh sống.

Loài Voọc Hà Tĩnh được pháp luật bảo vệ nghiêm nhắt, vì đây là loài linh trưởng quý hiếm. (Ảnh GV)

Mất rừng, làm nguồn thức ăn suy giảm, cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến một vài đàn voọc phải di chuyển sang các vùng khác để kiếm thức ăn. Và đó có thể là một trong các lý do đàn voọc đen gáy trắng đi xuống đường Hồ Chí Minh.

Voọc Hà Tĩnh, là loài nhút nhát, luôn lẫn tránh sự tác động của con người. Từ trước đến nay, chưa từng ghi nhận nào về việc Vooc tự chủ ý tấn công con người. Do vậy cần tìm hiểu rõ hơn lý do vì sao voọc đã tấn công 3 người kia. Có không vì sự hiếu kỳ, xua đuổi vooc, hoặc cố ý tấn công trước dẫn đến phản ứng tự về của đàn voọc?

Tập quán loài voọc sống theo đàn từ 5-18 cá thể, con đầu đàn là một con đực trưởng thành to, khỏe. Loài này chỉ hoạt động ban ngày, ăn ở trên cây. Trong các dãy núi đá vôi thì chúng ngủ trong các hang trên vách đá đứng. Sách đỏ Việt Nam, nghị định 06/CP của Chính phủ, xếp hạng loài này vào nhóm IB (Nhóm các loài nguy cấp, quí, hiếm) cần được ưu tiên bảo vệ. Và danh mục đỏ thế giới IUCN năm 2008 cũng xếp loài này vào nhóm nguy cấp.

Vì vậy để bảo vệ dân, lẫn đàn voọc, chính quyền Quảng Trị cần sớm cắm biển cảnh báo có voọc đi lại qua đường ở khu vực này để các phương tiện đi lại được biết nhằm tránh tai nạn không mong muốn; song song đó tuyên truyền cho người dân biết rõ thêm về loài quý hiếm này, cũng pháp luật bảo vệ loài này.

Sau khi xác định được vị trí, thì tổ chức lực lượng giám sát đến để theo dõi trong vài ngày tiếp theo để đánh giá tình hình thực tế. Tránh việc tiếp xúc giữa người dân địa phương; tránh các hành vi đe đọa đến đời sống của đàn voọc nếu chúng vẫn đang ăn ở gần đường.

Đồng thời tổ chức khảo sát thông tin các đàn voọc khác trong khu vực gần đó để hiểu rõ hơn về hiện trạng quần thể như thế nào ? Hơn hết các phương tiện thông tin đại chúng cần đưa tin rõ hơn về sự kiện này, để tránh hiểu nhầm về mối nguy hiểm từ một loài sinh vật đáng yêu và hiền lành như voọc Hà Tĩnh.