Hà Giang: Thành lập khu bảo tồn Voọc mũi hếch

ThienNhien.Net – Được sự ủng hộ từ các cộng đồng địa phương và Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã Quốc tế (FFI)- Chương trình Việt Nam, một khu bảo tồn với diện tích 2.000 ha đã chính thức được UBND tỉnh Hà Giang phê quyệt theo quyết định số 3115/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2009, tại rừng Khau Ca, tỉnh Hà Giang, nhằm bảo tồn một trong những loài linh trưởng nguy cấp nhất trên thế giới – Voọc mũi hếch. Đây là khu vực sinh sống của khoảng 90 cá thể Voọc mũi hếch được biết đến là quần thể lớn nhất hiện nay. Nhận thức được tầm quan trọng của loài, Khu bảo tồn chính thức được đặt tên là Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Voọc mũi hếch Hà Giang.


Voọc mũi hếch (Tonkin snub-nosed monkeys) là loài linh trưởng quý hiếm duy nhất đối với Việt Nam và chỉ được biết đến từ tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Hiện tại, số lượng Voọc mũi hếch trên thế giới còn tồn tại ít hơn 250 cá thể, được xếp vào mức độ Cực kỳ nguy cấp trong cả Danh lục đỏ về các loài bị đe dọa của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và cả trong Sách đỏ Việt Nam.

Loài này trước đây được cho rằng đã bị tuyệt chủng. Mãi đến đầu những năm 90 mới được phát hiện trở lại tại tỉnh Tuyên Quang. Sau đó vào năm 2002, với sự hỗ trợ từ tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), đã phát hiện một quần thể tại khu vực rừng Khau Ca, tỉnh Hà Giang nằm giữa huyện Vị Xuyên và Bắc Mê. Từ đó, Chi cục Kiểm lâm Hà Giang với sự hợp tác của FFI đã tiến hành các họat động bảo tồn nhằm bảo đảm sự tồn tại lâu dài của quần thể này.

Một minh chứng thành công cho những nỗ lực bảo tồn là không có bất kỳ báo cáo về việc săn bắn nào kể từ đó và hiện tại quần thể này đang phát triển tốt. Từ 3 năm trước, các kế hoạch đã được vạch ra nhằm thành lập khu bảo tồn, từ việc bắt đầu các điều tra nghiên cứu về hệ động vật và thảm thực vật vào năm 2006 tới việc xây dựng bản đồ sử dụng đất có sự tham gia của người dân tại các thôn bản xung quanh khu bảo tồn năm 2008.

Khu vực rừng Khau Ca – nơi sinh sống của Voọc mũi hếch, là khu vực còn nguyên sinh và có nhiều loài động thực vật hoang dã quý hiếm khác. Tại đây, tạo thành một dãy rừng nhỏ trên núi đá vôi có nhiều cây gỗ lớn, lâu năm, với diện tích khoảng 1.000 ha. Đây là nơi sống lý tưởng của loài Voọc mũi hếch – loài rất hiếm khi xuống mặt đất.

Bên cạnh đó, sát bên cạnh khu vực có Voọc mũi hếch là Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già với cùng đặc tính sinh thái giống nhau. Điều này có ý nghĩa sẽ có một khu vục sống rộng hơn cho loài Voọc mũi hếch, nếu một hành lang sinh cảnh rừng liên tục được tạo ra giữa hai khu bảo tồn trong tương lai.

Ông Hoàng Văn Tuệ, Trưởng Ban quản lý khu bảo tồn cho biết, ông cảm thấy rất vui mừng và phấn khởi sau nhiều năm cố gắng bảo vệ, loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm chỉ có duy nhất ở Việt Nam này đang phát triển tốt và khu bảo tồn đã chính thức được thành lập. Với trách nhiệm là trưởng ban quản lý khu bảo tồn, ông tin tưởng sẽ bảo tồn thành công loài linh trưởng này.

Tuy nhiên, thách thức trong tương lai đối với khu bảo tồn là việc phục hồi các khu vực đất rừng đã cạn kiệt trong khu bảo tồn nhằm mở rộng vùng sinh cảnh sống cho quần thể Voọc phát triển. Điều này đòi hỏi một sự cố gắng hợp tác giữa Chi cục Kiểm lâm thông qua Ban quản lý khu bảo tồn, cộng đồng các dân tộc Dao, Tày và H’Mông tại địa phương và sự hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia quốc tế.

Hy vọng rằng, việc khu bảo tồn này được thành lập sẽ thu hút các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài cho khu vực và cải thiện đời sống cho một số cộng đồng nghèo sống xung quanh khu bảo tồn. Rừng tại đây, đồng thời bảo vệ nguồn nước và ngăn sạt lở. Ngoài ra cũng mong muốn rằng việc phục hồi rừng sẽ góp phần sự hỗ trợ nỗ lực toàn cầu về khắc phục biên đổi khí hậu và chiến lược của chính phủ về độ che phủ rừng.

Ba trong số 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất trên thế giới chỉ được tìm thấy ở miền Bắc Việt Nam, bao gồm: Voọc mũi hếch, Voọc mông trắng, Voọc Cát Bà và Vượn cao vít. Với mục tiêu bảo vệ các loài bị đe dọa và các hệ sinh thái trên toàn cầu, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, Tổ chức FFI là tổ chức bảo tồn lâu đời nhất trên thế giới và hoạt động phi lợi nhuận trên 40 quốc gia. Tại Việt Nam, FFI đã thực hiện nhiều dự án bảo tồn loài, trong đó phải kể đến nỗ lực bảo tồn Voọc mũi hếch ở Hà Giang.