Voi Tây Nguyên: Biểu tượng văn hóa đang bị đe dọa

Khoảng 10 năm trở lại đây, nạn săn bắt voi trái phép, phá rừng diễn ra trên diện rộng đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của loài voi – một biểu tượng văn hóa Tây Nguyên.

Voi bị săn bắt trái phép

Theo số liệu từ Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk, tình trạng săn bắn voi tại tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua có chiều hướng gia tăng. Tính riêng trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2014 có 17 con voi bị chết, có 5 trường hợp chết do bị bắn, sau đó lấy các bộ phận như: ngà, lông đuôi…

Tình trạng săn bắn, giết hại voi, đặc biệt là voi đực để lấy ngà đã gây ảnh hưởng lớn đến cấu trúc bầy đàn và là một nguyên nhân gây suy giảm quần thể voi hoang dã. Số voi đực trong đàn bị giảm thiểu dẫn tới tỷ lệ đực – cái mất cân bằng, dẫn đến việc sinh sản của voi hoang dã bị giảm nghiêm trọng.

Bên cạnh săn bắt, tình trạng buôn bán, tiêu thụ các sản phẩm từ voi như: ngà voi, xương voi, lông đuôi voi diễn ra khá nhức nhối trên thị trường. Chính điều này tiếp tay cho nạn săn bắn voi trái phép ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Không chỉ voi rừng bị săn bắt, mà nạn săn trộm voi nhà cũng diễn ra manh động.

Voi được người dân sử dụng làm công cụ để đưa khách du lịch ở Đắk Lắk.

“Voi nhà được cột phía sau nhà. Kẻ trộm thường chặt đứt đuôi để bán. Lông đuôi voi có chức năng xua đuổi ruồi muỗi, côn trùng, nếu không có nó voi rất dễ bị côn trùng tấn công gây bệnh. Vì vậy, việc chặt trộm đuôi voi để lấy lông làm các đồ mỹ nghệ gây hại trực tiếp cho tính mạng của voi”, anh HBin, một người có kinh nghiệm nuôi voi lâu năm, bức xúc nói.

Nguy cơ bị tuyệt chủng

Theo nhận định của các chuyên gia trong nước và quốc tế, voi Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai không xa. Diện tích rừng bị thu hẹp do nạn chặt phá rừng trái phép khiến cho voi mất đi nơi cư trú và sinh sống.

Vì vậy, những năm gần đây, ở Tây Nguyên thường xuất hiện tình trạng voi hoang dã bỏ rừng kéo về phá nương rẫy để kiếm ăn, gây nguy hại đến tài sản và tính mạng của con người. Xung đột giữa người và voi tăng theo. Điển hình như năm 2013, đàn voi rừng khoảng 17 cá thể đã kéo về cách trung tâm huyện Ea Súp 5km.

Đuôi của voi ở khu du lịch Buôn Đôn bị vặt hết lông.

Ông Đinh Công Xoan, Chủ tịch UBND xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cho biết, người dân liên tục phản ánh bắt gặp voi rừng trong thời gian qua.

Đặc biệt, vào thời điểm đầu tháng 8 xuất hiện hai con voi trưởng thành liên tục phá hoại nương rẫy, hoa màu, hiện đã vào gần đến khu vực dân cư và rất hung dữ, chúng đã đuổi theo người dân đi làm nương rẫy, khiến nhiều người rất hoảng sợ. Xã đang kiến nghị các cấp ngành có giải pháp để đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo báo cáo của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, những năm 1990, nước ta có từ 1.500 – 2.000 cá thể voi hoang dã, nhưng nay chỉ còn khoảng 124 đến 148 cá thể, phân bố tại 8 tỉnh, bao gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam. Sự suy giảm số lượng các cá thể voi là hồi chuông báo động khi môi trường hoang dã của chúng ngày một bị thu hẹp.

Cần có biện pháp bảo tồn bền vững

Phân loài voi sinh sống tại Việt Nam là voi Châu Á, được xếp vào bậc Nguy cấp trong danh mục Sách Đỏ của IUCN, bậc Cực kỳ nguy cấp theo Sách Đỏ Việt Nam và nằm trong Phụ lục I của Công ước CITES. Bảo tồn voi đã rất cấp bách.

Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2012. Tiếp đó, Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020” năm 2013. Tuy nhiên, để bảo tồn đàn voi, cần có thêm các biện pháp đồng bộ liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương.

Hai cá thể voi rừng trưởng thành xuất hiện ở khu vực rẫy người dân ở huyện Cư Jút (Đắk Nông).

Theo các chuyên gia, ngoài việc bảo tồn sinh cảnh cho voi, xử lý nghiêm các hành vi săn bắt và mua bán các sản phẩm từ voi, cần có sự vào cuộc sát sao của các cơ quan chức năng tại địa phương trong công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ đàn voi cho người dân, giúp họ giảm thiệt hại tại những vùng hay xảy ra xung đột với voi; đồng thời, phải tạo nguồn sinh kế lâu dài cho người dân, định hướng trồng trọt các loại cây không thu hút voi, bảo vệ môi trường sống cho voi và khi vấn đề bảo tồn nguồn gen quý loài voi được cộng đồng biết đến rộng rãi sẽ giúp cho việc bảo tồn voi ngày một tươi sáng hơn.