Số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vượt mốc 15 triệu người

Tính đến 6 giờ ngày 23-7, thế giới ghi nhận 15.346.408 người nhiễm Covid-19, trong đó có 65.851 ca nhiễm mới. Tổng cộng 625.086 người đã tử vong.

Các nhà khoa học Anh cảnh báo SARS-CoV-2 biến thể tạo thành những ổ dịch có khả năng lây lan nhanh trên toàn cầu. Kết quả nghiên cứu trên 40.000 bộ gene tại Anh cho thấy biến thể mới có tên D614G chủ yếu gia tăng truyền nhiễm cho người. Biến thể này hiện chiếm tới 75% ca nhiễm trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu đăng trên tạp chí y học The New England cũng chỉ ra: Khả năng miễn dịch đối với SARS-CoV-2 sẽ không thể tồn tại lâu ở những bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ, vốn chiếm phần lớn trong số ca nhiễm. Lượng kháng thể chống vi rút SARS-CoV-2 ở những bệnh nhân thể nhẹ đã giảm mạnh trong 3 tháng đầu tiên sau khi nhiễm bệnh, trung bình đã giảm một nửa sau 73 ngày.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ngay cả ở những quốc gia có trình độ y tế cao.

Kết quả nghiên cứu này tương đồng với một nghiên cứu trước đó của các nhà khoa học thuộc Đại học Collage London (UCL) ở Anh, cho thấy sau khi nhiễm SARS-CoV-2, khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể đối với vi rút này sẽ suy giảm sau vài tháng. Cụ thể, phản ứng kháng thế có thể bắt đầu giảm từ 20-30 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng bệnh.

Châu Mỹ

Mỹ vẫn là nước bị tác động mạnh nhất của dịch Covid-19, với 146.045 ca tử vong trong tổng số 4.093.834 ca nhiễm.

Tổng thống Donald Trump cảnh báo tình hình dịch xấu đi và kêu gọi người dân đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của vi rút. Phát biểu tại cuộc họp báo chính thức đầu tiên trong gần 3 tháng qua về tình hình dịch Covid-19, Tổng thống Donald Trump kêu gọi người trẻ ở Mỹ tránh đến những quán bar đông người nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Chính phủ nước này cũng đã nhất trí trả 1,95 tỷ USD để đảm bảo được mua 100 triệu liều vắc xin có khả năng phòng vi rút SARS-CoV-2, do công ty dược phẩm Mỹ Pfizer phối hợp với công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức bào chế.

Châu Âu

Nga có số ca nhiễm nhiều nhất châu Âu, lên tới 789.190 trường hợp. Trong đó, 12.745 người đã tử vong.

Pháp ghi nhận số ca nhiễm gia tăng nhanh trong dịp nghỉ hè. Kể từ ngày 9-5 vừa qua (tức là ngay trước khi Pháp bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa), nước này đã phát hiện tổng cộng 547 ổ dịch Covid-19, trong đó còn 208 ổ dịch chưa được kiểm soát. Tỷ lệ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ở nước này hiện ở mức 1,2 (10 người nhiễm vi rút có thể lây cho 12 người khác và lên đến 1,55 ở một số khu vực phía Nam).

Chính phủ Romania gia hạn tình trạng cảnh báo (có hiệu lực từ ngày 15-3) thêm 30 ngày nữa, trong bối cảnh nước này chứng kiến số ca nhiễm mới trong ngày ở mức cao nhất. Romania ghi nhận 1.030 trường hợp trong 24 giờ qua. Tổng cộng số ca nhiễm ở nước này hiện là 40.163 ca, trong đó có 2.101 ca tử vong.

Châu Á

Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo tiếp tục duy trì cảnh báo ở mức cao nhất khi số bệnh nhân không rõ nguồn lây nhiễm trung bình mỗi ngày là 122,3 người, tăng 1,6 lần. Số bệnh nhân có triệu chứng nặng cũng có dấu hiệu gia tăng với 14 trường hợp, tăng gấp 2 lần. Giới chuyên gia cảnh báo dịch Covid-19 tại Tokyo hiện đã lây sang nhóm đối tượng là những người trung niên, cao tuổi. Nguồn lây nhiễm đã lan sang các cơ sở chăm sóc sức khỏe, gia đình, nơi làm việc… Nếu tình trạng này kéo dài, hệ thống y tế của Tokyo có thể quá tải.

Tại Trung Quốc, chính quyền Hong Kong cũng quyết định mở rộng các biện pháp giãn cách xã hội mới nghiêm ngặt từ nửa đêm 22-7 với yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả những khu vực công cộng trong nhà, gồm các khu thương mại và chợ. Các biện pháp mới sẽ được áp dụng trong 2 tuần. Trong khi đó, tại Bắc Kinh, các rạp chiếu phim ở những khu vực nguy cơ lây nhiễm thấp có thể nối lại hoạt động từ ngày 24-7 với việc triển khai các biện pháp hiệu quả trong phòng chống dịch, như hạn chế số lượng khán giả mỗi buổi chiếu ở mức 30% sức chứa của rạp và bán vé ngồi giãn cách. Khán giả phải dùng tên thật để đặt chỗ trước, đeo khẩu trang trong rạp và những người không quen biết nhau nên ngồi cách xa nhau ít nhất 1 mét.

Tại Hàn Quốc, đài tưởng niệm chiến tranh tại thủ đô Seoul đã mở cửa trở lại sau 2 tháng đóng cửa. Nơi này nằm trong số hàng chục địa điểm công cộng được mở cửa trở lại trong tuần này trong bối cảnh số ca lây nhiễm tại Seoul có dấu hiệu thuyên giảm.

Ở Đông Nam Á, Thái Lan đã thông qua việc kéo dài sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 1 tháng (tới ngày 31-8). Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 (CCSA) của nước này cũng thông qua về nguyên tắc Giai đoạn 6 nới lỏng các biện pháp phong tỏa đối với một số nhóm người nước ngoài, nhưng đang chờ những hướng dẫn cụ thể về việc phòng chống dịch bệnh từ các bộ liên quan trước khi công bố ngày áp dụng. Tại Campuchia, 20 trường học ở thủ đô Phnom Penh, thành phố Siem Reap và Battambang đã được phép mở cửa trở lại, tuy nhiên cần đáp ứng tiêu chuẩn cao về an toàn như mỗi lớp học không vượt quá 15 học sinh.

Châu Phi

Số người nhiễm Covid-19 tại lục địa này đã vượt mốc 750.000 người. Trong đó, Nam Phi trở thành tâm điểm chú ý khi là quốc gia có tổng số ca nhiễm cao thứ 5 thế giới (hiện ở mức 394.958), tăng gần gấp 4 lần chỉ trong 1 tháng vừa qua, bất chấp các biện pháp ứng phó nghiêm ngặt và trình độ y tế vốn được đánh giá là tốt nhất châu Phi.