Mưa lũ Trung Quốc: Hiểm họa tiềm ẩn với 94.000 đập già cỗi

Khoảng 94.000 con đập già cỗi tại Trung Quốc đang đối mặt với những hiểm họa tiềm ẩn sau nhiều ngày mưa lớn và thời tiết cực đoan.

“Phép thử” cho khoảng 94.000 con đập già cỗi

Con đập tại một hồ chứa nhỏ ở khu vực Quảng Tây đã vỡ tháng trước sau những trận mưa lớn có thể là “phép thử” cho khoảng 94.000 con đập tại Trung Quốc.

Nhiều nhà dân bị ngập lụt do mực nước sông Dương Tử dâng cao ở Cửu Giang, Giang Tây, Trung Quốc, hôm 18.7. Ảnh: AFP

Nằm tại quận Dương Sóc nổi tiếng với cảnh quan đá vôi, con đập vỡ vào giữa trưa ngày 7.6, làm ngập đường sá, vườn tược và cánh đồng ở làng Shazixi – người dân chia sẻ với Reuters.

“Tôi chưa từng thấy lũ to đến như vậy”, ông Luo Qiyuan, 81 tuổi, người từng tham gia xây đập từ nhiều thập kỷ trước nói.

Hoàn thành năm 1965, con đập xây bằng đất nén có khả năng chứa 195.000 mét khối nước, đủ lấp đầy 78 bể bơi kích thước tiêu chuẩn Olympic và đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của nông dân Shazixi. Con đập từng được gia cố 25 năm trước và theo khảo sát vào giữa tháng 7.2020, phần lớn chiều dài của nó – khoảng 100 mét – đã biến mất.

Sự sụp đổ này cho thấy mưa lũ lớn có thể phá hủy những công trình tương tự, đặc biệt là những con đập thiết kế kém khoa học hay được gia cố một cách “chắp vá”.

Đây cũng là lời cảnh báo cho thảm họa có thể xảy đến tại các vùng trũng và đồng bằng canh tác, với mật độ dân số đông hơn nhiều so với thời điểm đập được xây dựng.

Trở lại thập niên 1950-1960, hàng nghìn con đập được xây dựng để khắc phục tình trạng hạn hán tại Trung Quốc – khi đó là quốc gia có phần lớn diện tích đất phục vụ nông nghiệp. Theo dữ liệu của Bộ Thủy lợi Trung Quốc, trong khoảng từ năm 1954-2005, các con đê đã vỡ tại 3.486 hồ chứa nước do chất lượng thi công không đạt chuẩn và quản lý kém.

Dữ liệu chính thức cho thấy tại Quảng Tây, lượng mưa và nhiệt độ trung bình trong khoảng từ năm 1990-2018 cao hơn đáng kể so với 29 năm trước đó. Theo các nhóm môi trường, biến đổi khí hậu đang kéo theo mưa lớn và thường xuyên hơn.

Chính hiện tượng thời tiết cực đoan đã khiến các con đập Trung Quốc bị đe dọa, David Shankman, nhà địa lý học tại Đại học Alabama (Mỹ) chuyên nghiên cứu về lũ lụt Trung Quốc, nhận định.

“Tuy nhiên, 1 con đập phải có khả năng chống chịu được các sự kiện cực đoan ngay cả khi chúng xảy ra thường xuyên hơn. Nếu được thiết kế và xây dựng đạt chuẩn, khi trận lụt kết thúc, con đập vẫn bảo toàn được nguyên vẹn như trước đó”- ông Shankman nói.

Tình huống “thiên nga đen”

Theo chính phủ Trung Quốc, tình hình mưa lớn kéo dài và lũ lụt ồ ạt có thể châm ngòi cho hiện tượng “thiên nga đen” (Black Swan) – điều không thể đoán trước, nằm ngoài dự kiến gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.

Trong 1 cuộc họp báo gần đây, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc Diệp Kiến Xuân phát biểu rằng, ông tin tưởng các dự án kiểm soát lũ tại các con sông lớn có khả năng ứng phó lũ lụt lớn nhất xảy đến, tính từ thời điểm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tới nay.

Tuy nhiên, Thứ trưởng vẫn lên tiếng cảnh báo tình trạng mưa lũ quá lớn có thể phá vỡ khả năng chống chịu tại những con đập có quy mô nhỏ hơn, gây ra tình huống “thiên nga đen”.

Nhận thức được rủi ro này, chính quyền Trung Quốc đã củng cố, nâng cao những con đập cũ và đẩy mạnh kiểm tra. Các đập mới được lên kế hoạch tăng khả năng trữ nước. Đến nay, Bộ Tài chính Trung Quốc đã phân bổ tổng cộng 1,29 tỉ nhân dân tệ (khoảng 184,5 triệu USD) nhằm ứng phó khẩn cấp với thảm họa lũ lụt, trong đó có khoản chi để sửa chữa các cơ sở trữ nước và các cơ sở sản xuất nông nghiệp.

Theo giáo sư Benjamin Horton, giám đốc Đài quan sát Trái Đất tại Singapore, biến đổi khí hậu khiến hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng trở nên bình thường hơn. Đó cũng là lý do các chính sách chống lũ đưa ra từ 10, 20 năm trước đã không còn hiệu quả.

“Cái chúng ta thực sự cần là tôn trọng hệ sinh thái chứ không phải chống lại chúng bằng cách xây đập. Cần mở rộng vùng chứa lũ và bãi bồi, để nước được hòa trộn tự nhiên với môi trường”, ông giải thích.