Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2040

Ngày 16/7, tại TP. Đà Nẵng, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) tổ chức Hội thảo tham vấn “Dự thảo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”.

Ảnh: VGP/Lưu Hương

Hội thảo có sự tham dự của gần 100 đại biểu đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học và Sở TN&MT các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Trung Thắng cho biết, trước tình hình phát triển mới trong nước và quốc tế, việc nhìn nhận, đánh giá lại tình hình thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030 là rất quan trọng và cần thiết nhằm đề ra những mục tiêu, định hướng cụ thể cho công tác bảo vệ môi trường ở nước ta trong thời kỳ mới.

Được xây dựng trên tinh thần tiếp tục kế thừa các định hướng bảo vệ môi trường của Chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2020, bổ sung, cập nhật các quan điểm, chủ trương, chính sách, dự thảo Chiến lược được chia làm 2 phần: Tình hình thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Dự thảo đã đề ra 4 mục tiêu cụ thể, 4 nhóm nhiệm vụ và 6 nhóm giải pháp thực hiện Chiến lược.

Theo đó, đến năm 2030, phải từng bước ngăn chặn được xu hướng ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo đảm an ninh môi trường; giải quyết cơ bản các vấn đề môi trường trọng điểm cấp bách, từng bước cải thiện chất lượng môi trường; tăng cường hoạt động bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái quan trọng; khắc phục xu hướng suy giảm đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên; đẩy mạnh các hoạt động đồng lợi ích để đồng thời nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra các chỉ tiêu giám sát và đánh giá Chiến lược giai đoạn đến năm 2030.

Âu thuyền Thọ Quang, một điểm nóng về môi trường tại Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Hà, Chi Cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Đà Nẵng đề nghị Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường bổ sung chỉ tiêu 100% khu công nghiệp, khu chế xuất và cụm công nghiệp lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục; bổ sung tỉ lệ hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái sử dụng, tái chế…

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng hiện có rất nhiều chỉ số liên quan đến bảo vệ môi trường, mỗi ngành mỗi chỉ số riêng biệt, vì vậy, cần có bộ chỉ số tổng hợp, tránh việc chồng chéo về chỉ số trong báo cáo chiến lược bảo vệ môi trường. Đồng thời mong muốn Chiến lược có thể định hướng công cụ hậu kiểm, chế tài xử phạt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động của địa phương.

Ông Võ Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đề xuất, trước hết, phải nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các sở, ngành về tính cấp thiết đầu tư các công trình về bảo vệ môi trường để ưu tiên nguồn lực cho công tác này, chứ không thu xếp đầu tư không ưu tiên bằng các công trình thuộc lĩnh vực khác. Cùng với đó, ngân sách Nhà nước nên dành tối thiểu 2% tổng chi cho công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, phải kêu gọi sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường.

Nguồn: