Quan chức y tế Trung Quốc kêu gọi du khách đến các vùng nông thôn và đồng cỏ ở Nội Mông tăng cường bảo vệ cá nhân sau khi TP Bayan Nur ghi nhận một ca nhiễm bệnh dịch hạch cuối tuần qua.
Trong cuộc họp báo ngày 6-7, bà Bàng Tinh Hỏa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Bắc Kinh, khuyến nghị mọi người không nên đến gần hoặc ăn động vật hoang dã, cũng không nên cắm trại trên đồng cỏ qua đêm. Bất cứ ai từng đến Nội Mông bị sốt cần báo lịch trình di chuyển hoặc bất kỳ liên hệ nào với động vật hoang dã cho bác sĩ.
Bà Bàng nhắc nhở đội ngũ y bác sĩ nhắm rõ các triệu chứng của bệnh dịch hạch và lịch sử đi lại của bệnh nhân để chẩn đoán và xử lý kịp thời chính xác. Nếu có lịch sử di chuyển trong vùng dịch mà bị sốt và các triệu chứng khó chịu khác xuất hiện, cần kịp thời đến bệnh viện chỉ định để điều trị.
Trong ngày 6-7, chính quyền TP Bayan Nur (Ba Ngạn Náo Nhĩ) đã nâng mức phòng dịch lên cấp 3 (trên thang 4 cấp với cấp 1 cao nhất) và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2020. Điều này gợi nhớ đến bệnh dịch đã xảy ra ở Bắc Kinh và Nội Mông vào tháng 11-2019.
Trước đó, Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố này thông báo ngày 4-7, Bệnh viện Nhân dân Urad Zhongqi (Ô Lạp Đặc Trung Kỳ) báo cáo một ca nghi nhiễm dịch hạch, thực hiện chính sách cảnh báo sớm dịch hạch tại khu vực tự trị Nội Mông. Người nhiễm dịch hạch là một người chăn gia súc, hiện trong tình trạng ổn định.
Chính quyền Bayan Nur cảnh báo nguy cơ lây lan dịch hạch, nhắc nhở người dân tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu “ba không, ba báo” về phòng chống dịch bệnh. “Ba không” bao gồm không tự ý săn bắn động vật nhiễm dịch, không ăn động vật nhiễm dịch, không mang động vật, các sản phẩm từ động vật nhiễm dịch ra khỏi khu vực có dịch.
“Ba báo” là phải báo cơ quan chức năng nếu phát hiện chuột và các động vật khác bệnh (chết), bệnh nhân nghi nhiễm dịch, bệnh nhân sốt cao và bệnh nhân chết đột ngột không rõ nguyên nhân.
Theo một người dân địa phương, lần cuối cùng chính phủ phổ biến kiến thức về bệnh dịch hạch cho người dân là vào những năm 1970.
Bệnh dịch hạch, còn được gọi là “cái chết đen”, có đặc điểm phát bệnh rất nhanh, thời gian bệnh ngắn, tỉ lệ tử vong cao, nhiễm trùng mạnh và lây lan nhanh. Đặc biệt đối với dịch hạch nhiễm trùng huyết, tỉ lệ tử vong là 30% đến 100%.
Vi khuẩn gây bệnh dịch hạch, Yersinia pestis, được truyền sang người qua vết cắn của bọ chét. Ở Nội Mông nguồn mang mầm bệnh chủ yếu là chuột marmot.
Trước thông tin về ca nhiễm bệnh dịch hạch ở Nội Mông, Nga hôm 6-7 cho biết họ đã tăng cường tuần tra để ngăn chặn người dân săn bắn chuột marmot gần biên giới với Trung Quốc.
H.Bình (Theo SCMP, Beijing News)