Ứng dụng công nghệ trong phát hiện sớm các điểm cháy rừng

Hiện Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) đang đẩy nhanh tiến độ dự án Xây dựng và vận hành hệ thống phát hiện sớm cháy rừng. Hệ thống này nhằm mục tiêu giảm thiểu thiệt hại về tài nguyên rừng, tiết kiệm công sức, kinh phí trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Lực lượng chức năng huy động máy móc, thiết bị xử lý vụ cháy rừng trên địa bàn phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, tháng 10/2018. (Ảnh: Tuấn Hương)

Quảng Ninh hiện có gần 430.000ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Trong đó có trên 250.00ha rừng dễ cháy, chủ yếu là rừng trồng thông, bạch đàn, keo và rừng hộ giao tre, nứa. Đây là những loại cây có đặc tính dễ bắt lửa, tốc độ cháy lan nhanh, khó chữa cháy nếu cháy xảy ra trên diện rộng với thời tiết hanh khô và gió lớn.

Thông thường, mùa khô trên địa bàn tỉnh kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, do lượng mưa ít, độ ẩm thấp, nhiều đợt nắng nóng kéo dài đã làm cho nguồn vật liệu cháy trong rừng bị khô nỏ, rất dễ xảy ra cháy rừng với quy mô lớn.

Thống kê giai đoạn 2000-2008, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 424 vụ cháy rừng, gây thiệu hại gần 5.000ha. Trước thực trạng này, năm 2007, tỉnh đã đầu tư dự án “Nâng cao năng lực PCCCR cho lực lượng kiểm lâm”. Đến nay, số vụ cháy rừng đã giảm 85% và diện tích rừng bị thiệt hại giảm 94% so với giai đoạn 2000-2008, nhờ các vụ cháy rừng đã được phát hiện sớm và tổ chức lực lượng chữa cháy tại chỗ kịp thời.

Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế cho thấy, công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn diện tích rừng nằm xa khu dân cư và thường phát triển ở những khu vực đồi, núi. Rất nhiều hành vi có thể dẫn đến nguy cơ cháy rừng như sử dụng lửa đốt dọn thực bì… Nguy cơ cũng có thể đến từ những gia đình sinh sống cạnh rừng sử dụng lửa không hợp lý. Trong khi đó, trách nhiệm của chủ rừng, nhân dân, chính quyền sống gần rừng vẫn còn chủ quan, lơ là, chưa kể cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác PCCCR còn thiếu, chưa được trang bị nhiều. Do vậy, khi có cháy rừng xảy ra, để phát hiện được bằng mắt thường thì thông thường đám cháy đã phát triển ở phạm vi lớn và có vệt khói lớn. Khi đám cháy lớn để dập tắt đòi hỏi rất nhiều nhân lực, vật lực và kinh phí. Đồng thời, kéo theo thiệt hại về rừng và môi trường sinh thái.

Đơn cử như vụ cháy rừng tại khoảnh 33, tiểu khu 99 (phường Hùng Thắng, TP Hạ Long,) vào tháng 10/2019. Vị trí này nằm ngay trong ranh giới một dự án biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp đang được một tập đoàn lớn nghiên cứu triển khai nhưng phải sau hai ngày chữa cháy tích cực với gần 500 lượt người thuộc nhiều đơn vị tham gia, đám cháy mới được khống chế. Nguyên nhân chính là do đám cháy không được phát hiện sớm, trang thiết bị chữa cháy thiếu khi các lực lượng chỉ huy động được 17 máy thổi gió, còn số lượng cưa xăng, máy cắt dọn thực bì cũng rất hạn chế.

Đơn vị tư vấn tổ chức đào tạo hướng dẫn, sử dụng khai thác vận hành hệ thống phần mềm cho các cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

Để giải quyết những khó khăn trên, tháng 6/2019, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt dự án Xây dựng và vận hành hệ thống phát hiện sớm cháy rừng và giao cho Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là phát triển phần mềm nội bộ và tạo lập cơ sở dữ liệu, chuẩn hóa cấu trúc dữ liệu hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh; xây dựng ứng dụng trên di động để nhận thông tin điểm cháy và tương tác với trung tâm điều khiển khi xác định được vị trí điểm cháy trên thực địa; đào tạo sử dụng và vận hành hệ thống phần mềm cho Chi cục Kiểm lâm, Hạt kiểm lâm và chủ rừng (Ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp), Ban chỉ đạo PCCCR các cấp.

Ông Mạc Văn Xuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Dự án Xây dựng và vận hành hệ thống phát hiện sớm cháy rừng là bước đột phá khi đã ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để phát hiện sớm cháy rừng. Khi đám cháy được phát hiện, vị trí đám cháy được tích hợp vào cơ sở dữ liệu GIS với đầy đủ thông tin như: Huyện, xã, tiểu khu rừng, khoảnh rừng, thôn, điện thoại cơ quan kiểm lâm phụ trách khu vực có đám cháy, điện thoại của trưởng thôn… Như vậy sẽ giúp Ban chỉ đạo PCCCR các cấp thuận lợi trong việc chỉ đạo, điều hành công tác PCCCR, dập tắt đám cháy ngay khi đám cháy còn nhỏ, nên mức độ thiệt hại sẽ được giảm đi. Việc phân công trách nhiệm quản lý lửa rừng đến tận thôn, bản cũng sẽ nâng cao hiệu quả trong công tác PCCCR.

Tính đến thời điểm này, 2 thiết bị máy chủ và phần mềm thương mại của hệ thống đã được lắp đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh; Chi cục Kiểm lâm, các Hạt kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với đơn vị tư ấn tổ chức 5 lớp đào tạo hướng dẫn, sử dụng khai thác vận hành hệ thống phần mềm đến cán bộ, nhân viên các đơn vị. Dự kiến trong tháng 8/2020, dự án sẽ chính thức đi hoạt động.