Cần xử lý nghiêm hành vi phá rừng phòng hộ Tam Ðiệp

Việc khai thác đá thiếu trách nhiệm của Chi nhánh Công ty TNHH Duyên Hà – Nhà máy xi măng Duyên Hà, đã làm vùi lấp, tàn phá 32.382 m2 rừng phòng hộ tự nhiên trên núi đá ở phường Tân Bình, TP Tam Ðiệp (Ninh Bình) đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm, gây bức xúc dư luận.

Hiện trường khai thác đá, tàn phá rừng ở phường Tân Bình, TP Tam Ðiệp (Ninh Bình)

Tàn phá rừng phòng hộ

Việc Chi nhánh Công ty TNHH Duyên Hà – Nhà máy xi-măng Duyên Hà (gọi tắt là Chi nhánh Công ty Duyên Hà) khai thác đá làm nguyên liệu sản xuất xi-măng gây vùi lấp, tàn phá nhiều diện tích rừng phòng hộ thuộc phường Tân Bình, TP Tam Ðiệp (Ninh Bình) đã được Hạt Kiểm lâm Tam Ðiệp (Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình), cán bộ quản lý rừng phòng hộ, Phòng Tài nguyên – Môi trường thuộc TP Tam Ðiệp, sử dụng máy định vị GPS kiểm tra các lô, các khoảnh rừng làm rõ.

Theo đó, Chi nhánh Công ty Duyên Hà đã làm vùi lấp, tàn phá tổng diện tích rừng phòng hộ là 32.382 m2, trong đó, diện tích rừng phòng hộ bị vùi lấp đợt cuối năm 2019 là 12.574 m2; năm 2018, rừng phòng hộ bị vùi lấp là 19.808 m2.

Hạt trưởng Kiểm lâm Tam Ðiệp Trần Xuân Cảnh cho biết: Khu vực rừng phòng hộ tự nhiên ở phường Tân Bình nằm trên vùng núi cao dựng đứng. Phía đỉnh núi là mỏ đá của Chi nhánh Công ty Duyên Hà, phía dưới là rừng phòng hộ tự nhiên liền kề với các thung lũng, đầm nước, ruộng lầy thụt rất khó thực hiện công tác bảo vệ rừng. Muốn kiểm tra rừng chỉ có một con đường duy nhất là xin phép đi qua Chi nhánh Công ty Duyên Hà, nhưng không phải lúc nào cũng vào kiểm tra được. Năm 2018, khi phát hiện đơn vị nêu trên mở đường vào mỏ khai thác đá làm nguyên liệu sản xuất xi-măng, gây sạt lở đất đá vùi lấp trắng 19.808 m2 rừng phòng hộ tự nhiên trên núi đá ở phường Tân Bình, Hạt Kiểm lâm Tam Ðiệp đã báo cáo Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình, UBND thành phố Tam Ðiệp ngăn chặn xử lý kịp thời tình trạng nêu trên. Thời điểm đó, Chi nhánh Công ty Duyên Hà bị UBND thành phố Tam Ðiệp xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 98,3 triệu đồng. Song đến năm 2019, đơn vị nêu trên tiếp tục cố tình tái phạm khi vùi lấp, tàn phá thêm 12.574 m2. Hành vi đó của Chi nhánh Công ty Duyên Hà là cố tình hủy hoại, tàn phá rừng, vi phạm Nghị định số 35/2019/NÐ-CP, ngày 25-4-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Tại biên bản kiểm tra vi phạm lập trên hiện trường ngày 25-12-2019, ông Lã Vũ Tiến Phong và ông Phạm Văn Dũng đều là Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Duyên Hà có mặt đã nhất trí với số liệu đo đếm thiệt hại về diện tích rừng phòng hộ tự nhiên ở phường Tân Bình do Chi nhánh Công ty Duyên Hà gây ra. Ðồng thời họ hứa sẽ dừng ngay các hoạt động khai thác tại khu vực sạt lở ảnh hưởng tới rừng; hứa sẽ giải trình cụ thể sự việc với cơ quan chức năng và xây dựng phương án khắc phục. Song ông Phong và ông Dũng đại diện cho Chi nhánh Công ty Duyên Hà lại không ký tên vào biên bản.

Ngay sau khi kiểm tra, Hạt Kiểm lâm Tam Ðiệp đã yêu cầu đơn vị nêu trên tạm dừng các hoạt động khai thác mỏ tại vị trí gây ra sạt lở đất đá vùi lấp, tàn phá rừng nhằm tránh bị vùi lấp thêm diện tích rừng phòng hộ khác; kết hợp yêu cầu đơn vị lập phương án khắc phục.

Ðể tránh nhờn luật

Tìm hiểu chúng tôi được biết, Chi nhánh Công ty Duyên Hà được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 1417/GP-BTNMT, ngày 11-6-2015. Theo đó, đơn vị được phép khai thác đá vôi làm nguyên liệu xi-măng tại khu vực phường Tân Bình và xã Yên Sơn, TP Tam Ðiệp. Diện tích khai thác là 51,13 ha; mốc độ sâu khai thác là +50 m, trữ lượng khai thác 60.500.166 tấn. Thời hạn khai thác là 30 năm.

Tuy nhiên, theo Báo cáo số 412/BC-STNMT của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình, trong quá trình khai thác, tại một số vị trí thuộc ranh giới mỏ, Chi nhánh Công ty Duyên Hà khai thác chưa phù hợp với thiết kế mỏ được Sở Xây dựng Ninh Bình thẩm định. Ðây chính là nguyên nhân gây ra sạt lở đất đá từ trên núi cao ra ngoài diện tích mỏ của đơn vị quản lý, làm vùi lấp 32.382 m2 rừng phòng hộ tự nhiên trên núi đá ở phường Tân Bình là có cơ sở. Một nguyên nhân khác, qua tìm hiểu chúng tôi thấy: Khu vực này có nhiều núi đá cao dựng đứng xen lẫn rừng phòng hộ tự nhiên. Thế nhưng, Bộ Tài nguyên và Môi trường khi cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Chi nhánh Công ty Duyên Hà, mới chỉ tính mốc khai thác là +50 m chứ không tính toán những ảnh hưởng phía dưới mốc khai thác còn có rừng phòng hộ tự nhiên, không tính tới hành lang phục vụ khai thác đá, phục vụ bảo vệ rừng. Ðiều đó dẫn đến tình trạng bất cập là doanh nghiệp cứ phá đá trên núi cao, còn rừng tiếp tục bị vùi lấp, bị tàn phá, và không ai chịu trách nhiệm.

Ðược biết, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Văn bản số 83/UBND-VP3, ngày 10-3-2020, giao trách nhiệm cho các cơ quan chức năng như: Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Tam Ðiệp, tập trung làm rõ việc khai thác mỏ của đơn vị nêu trên. Trọng tâm là kiểm tra thiết kế khai thác mỏ; kiểm tra công tác quản lý sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; đánh giá tác động môi trường của việc khai thác mỏ; tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo của UBND thành phố Tam Ðiệp, với diện tích rừng phòng hộ tự nhiên trên núi đá bị vùi lấp, bị tàn phá lên tới 32.382 m2, nếu so với Bộ luật Hình sự về tội hủy hoại rừng từ 7.000 đến 10.000 m2 là hành vi tái phạm nguy hiểm, thì UBND thành phố Tam Ðiệp không thể xử lý được vì vượt thẩm quyền và do chưa xử lý dứt điểm, đến nay đơn vị trên vẫn cố tình tái phạm, khiến dư luận thêm bức xúc.