Đánh giá việc thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu

Ngày 24/6, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu, đề xuất định hướng ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030”.

Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến sông Trà Nóc qua địa bàn quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Ảnh minh họa: Thanh Liêm/TTXVN

Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường cho biết: Sau gần 10 năm Việt Nam triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, công tác ứng phó hiện nay đã bước sang một thời kỳ mới. Thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, những đóng góp mang tính tự nguyện trước đây, nay trở thành những cam kết đóng góp bắt buộc, đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính. Giai đoạn 2021 – 2030, các quốc gia cần xây dựng chiến lược dài hạn về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, các cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu, rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Nội dung các văn bản này đã phản ánh trách nhiệm và cam kết nỗ lực cao nhất của Việt Nam về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu để thực hiện Công ước, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Để có cơ sở đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trong giai đoạn mới, phù hợp với định hướng chính sách trong nước và cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường với sự hỗ trợ của AFD đã triển khai dự án “Đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược, Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chiến lược trong giai đoạn 2021-2030”.

Theo ông Fabrice Richy, Giám đốc Cơ quan Phát triển Cộng hòa Pháp (AfD) tại Việt Nam: AFD đã đồng hành cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong15 năm qua, với các hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, chuyên gia cả về giảm phát thải và thích ứng. Đến nay AFD đã hỗ trợ hơn 1 tỷ EUR cho 30 dự án và chương trình liên quan đến biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Trong thời gian tới, việc hợp tác giữa hai bên sẽ tiếp tục theo hướng triển khai các cam kết của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris một cách mạnh mẽ hơn nữa.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trung Thắng cho biết: Trong giai đoạn 2011 – 2019, hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức đã được triển khai sâu rộng với nhiều nội dung phong phú. Kết luận 56-KL/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cần phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển.

Hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện với Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyênvà bảo vệ môi trường được ban hành. Ứng phó với biến đổi khí hậu lần đầu tiên đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; đã xây dựng, sửa đổi, ban hành 10 Luật có liên quan đến biến đổi khí hậu; hệ thống văn bản hướng dẫn được hoàn thiện hơn. Tổ chức bộ máy về ứng phó với biến đổi khí hậu từ cấp Trung ương đến địa phương tiếp tục được kiện toàn.

Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường (trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu) được bảo đảm bảo không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng đều qua các năm. Trong giai đoạn 2012 – 2018, Việt Nam đã huy động được gần 7 tỷ USD từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức để hỗ trợ cho các dự án bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Bước đầu đã huy động được khối tư nhân tham gia hoạt động bảo vệ và phát triển rừng và đặc biệt trong phát triển điện gió, điện mặt trời trong thời gian gần đây.

Nhiều chương trình khoa học công nghệ với số lượng lớn đề tài nghiên cứu đã được triển khai thực hiện. Việt Nam cũng đã và đang tích cực thực hiện các nghĩa vụ của nước thành viên của UNFCCC, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris; đóng vai trò ngày càng tích cực, có trách nhiệm tại các diễn đàn, hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu.

Kế hoạch hành động cả giai đoạn 2012 – 2020 có 65 chương trình, đề án và dự án, trong đó có 10 nhiệm vụ ưu tiên của giai đoạn 2012 – 2015. Đến nay, 25/65 nhiệm vụ (trong đó có 6 nhiệm vụ ưu tiên) đã được phê duyệt và thực hiện độc lập. Các nhiệm vụ còn lại do thiếu nguồn kinh phí nên chưa được phê duyệt. Các Bộ, ngành và địa phương đã lồng ghép trong các chương trình, nhiệm vụ khác hoặc nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng quản lý. Phân loại cho thấy, 26/65 nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm cả dự báo, cảnh bảo thiên tai, sinh kế bền vững; 16 nhiệm vụ liên quan đến vấn đề giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và 23 nhiệm vụ mang tính tổng hợp.

Tại Hội thảo, đại diện tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra những nhận định về thực trạng triển khai các nhiệm vụ, các định hướng, giải pháp cụ thể cho việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trong giai đoạn phát triển mới. Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Chiến lược quốc gia về giai đoạn 2021 – 2030, nhằm định hướng rõ các vấn đề cấp bách, ưu tiên gắn với việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Việt Nam nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậuNhân dịp Hội nghị trực tuyến an ninh và khí hậu Berlin lần 2 được tổ chức vào ngày 24/6/2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có Thông điệp gửi Hội nghị, Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu nội dung thông điệp.