Dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Tích hợp 7 giấy phép trong 1

Ngày 18.6, Quốc hội đã dành thời gian gần cả buổi chiều thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) nói, việc tích hợp 7 giấy phép trong 1 là một chính sách mang tính cách mạng.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh quochoi.vn.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng thực tiễn đặt ra ngày càng nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách cần phải giải quyết, đặc biệt hiện nay môi trường nước ta ngày càng diễn biến phức tạp, chất lượng môi trường tại một số nơi vượt ngưỡng cho phép và thời gian qua cũng đã xuất hiện sự cố môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Từ đó, đại biểu Trần Thị Hoa Ry tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi cho toàn diện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Về các quy định trong dự thảo luật, đại biểu này cho rằng nhiều quy định còn mang tính vận động, thuyết phục, hô hào và khá chung chung, cần phải có tiếp thu chỉnh sửa. Đại biểu Hoa Ry cho biết chưa thực sự an tâm khi dự án luật này thông qua tại 2 kỳ họp nên Quốc hội cần cân nhắc thêm.

Đánh giá cao việc dự thảo luật quy định tích hợp giấy phép, cắt giảm 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tích hợp 7 giấy phép về môi trường thành 1 giấy phép chung; tuy nhiên, đại biểu băn khoăn rằng tác động đến môi trường liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành khác nhau nên liệu quy định như vậy có đảm bảo về tiêu chuẩn và kỹ thuật chuyên môn không, việc tích hợp giấy phép như vậy có thực sự thuận lợi cho người dân không hay vẫn giữ “1 cửa nhưng có đến 7 khóa” thì cũng phải làm rõ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống cho thấy Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Chính vì vậy cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của nước ta, khi kinh tế đã có những bước phát triển kèm theo đó là môi trường bị xâm hại, xuống cấp, ô nhiễm các chất độc hại, bảo vệ thực vật, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước… ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đời sống của người dân.

Đồng ý với đại biểu Hoa Ry, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ ngành để đánh giá những nội dung thực hiện cấp giấy phép duy nhất này. Việc cấp giấy phép này phải bao quát được đầy đủ, không bỏ sót hành vi, kịp thời xử lý khi có vi phạm nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý sau này.

Về trả tiền cho rác thải, ông Nhưỡng tán thành và đề nghị nghiên cứu cơ chế, giám sát, kiểm tra để đảm bảo cân bằng chính xác. Cần nâng cao tự giác của người dân, xây dựng văn hóa về môi trường, tăng cường vai trò kiểm soát của trưởng thôn, trưởng bản… để thực hiện nghiêm quy định này.

“Tại sao ở thế giới họ giữ môi trường đẹp đẽ như thế, dòng sông không có rác, đường phố không có bao rác nào. Nhưng ở Việt Nam, đi bất cứ bờ sông nào, bờ ruộng nào cũng có rác. Người dân, các nhà máy vô tư xả rác… không kiểm soát được. Do đó, cần xây dựng văn hóa, người dân phải tự xác định bảo vệ môi trường…”, ông Nhưỡng nói và đề nghị ban soạn thảo làm rõ hơn.