Hơn 700 tăng, ni sinh tham gia tập huấn về biến đổi khí hậu

Ngày 13/6, tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn về biến đổi khí hậu (BĐKH) và kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) cho hơn 700 Tăng, Ni sinh Học viện.

Tham dự lớp tập huấn có ông Nguyễn Văn Thanh, Uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Tôn giáo; ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM; các chuyên gia tư vấn về BĐKH…

Các tăng, ni sinh tham gia hội nghị tập huấn về biến đổi khí hậu.

Hội nghị tập huấn này nhằm cung cấp thêm những thông tin cơ bản về BĐKH ở Việt Nam và kịch bản BĐKH cho Việt Nam; các định hướng chiến lược, chính sách và chương trình liên quan đến BĐKH của Việt nam; vai trò của các tôn giáo và việc phát huy vai trò của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Từ đó đưa ra những biện pháp và kỹ năng để ứng phó với BĐKH và giảm thiểu, quản lý rủi ro thiên tai.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng là dịp để trao đổi, thống nhất phương pháp, cách làm và bổ sung những kinh nghiệm thực tiễn giúp các tăng ni sinh vừa tu học vừa tham gia có hiệu quả hơn công tác ứng phó với BĐKH.

Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, thời gian qua các tổ chức tôn giáo trên địa bàn cả nước đã tích cực tham gia có hiệu quả vào các chương trình hành động bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.

Thông qua nhiều hoạt động cụ thể của từng tôn giáo như việc chuyển tải thông điệp, tuyên truyền vận động sâu rộng trong nội bộ tổ chức và tín đồ tôn giáo về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, hiểm họa nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường, BĐKH với đời sống con người; vận động các chức sắc, tín đồ cam kết tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH; chung tay bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, nguồn tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sinh thái; trồng cây xanh, sử dụng năng lượng tái tạo; tham gia các đợt cứu trợ đồng bào các vùng bị thiên tai, bão lũ.

Các tăng, ni sinh trong buổi tập huấn về biến đổi khí hậu

Theo ông Phạm Văn Tấn, BĐKH đang tác động nghiêm trọng đến cuộc sống và sự phát triển vững bền của toàn thế giới. Nhiều nền văn hoá, hệ sinh thái đang dần bị mất đi do tác động của BĐKH. BĐKH cũng tác động mạnh mẽ đến quan hệ giữa các nước về mặt chính trị, ngoại giao, thương mại và nảy sinh nhiều vấn đề an ninh, trong đó có an ninh phi truyền thống.

“Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Đối với nước ta, BĐKH không còn là nguy cơ, không chỉ là hiện tượng đơn lẻ mà đã là thực tế hiện hữu, tác động một cách toàn diện, rộng khắp ở các vùng, miền. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long là một trong 3 đồng bằng trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH (đồng bằng sông Nin, thuộc Ai Cập và đồng bằng song Hằng-Sông Ấn ở Ấn Độ, Bangladesh). Ngập lụt, triều cường đã trở thành vấn đề mà TP HCM và khu vực lân cận thường xuyên phải đối mặt. Hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt, sạt lở đất mà nguyên nhân một phần do BĐKH cũng liên tục xảy ra đối với các tỉnh ĐBSCL, năm sau nặng nề hơn năm trước”, ông Tấn cho biết thêm.

Ông Phạm Văn Tấn cũng cho rằng, việc thực hiện ứng phó với BĐKH đòi hỏi sự chung tay không chỉ của các cơ quan nhà nước, mà chủ yếu đến từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng.