Các đảo san hô nhỏ có khả năng tự thích ứng với nước biển dâng

Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy thủy triều vận chuyển trầm tích có thể giúp các đảo san hô dâng cao hơn mực nước biển và tránh được nguy cơ bị nhấn chìm.

Nghiên cứu mới tuyên bố rằng các đảo san hô, chẳng hạn như Maldives (ảnh), có thể tự thích nghi để sống sót khi mực nước dâng cao. (Nguồn: dailymail.co.uk)

Trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo và cả cư dân của nhiều đảo quốc nhỏ như Kiribati và Tuvalu đã nhiều lần cảnh báo rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa hiện hữu, đẩy những nước này trước nguy cơ bị nhấn chìm xuống biển khi nhiệt độ Trái Đất gia tăng.

Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Đại học Plymouth (Anh) mới đây cho rằng các hòn đảo nhỏ và nằm thấp dưới mực nước biển rải rác ở Thái Bình Dương và Caribe – vốn bị coi là dễ bị tổn thương nhất bởi hiện tượng Trái Đất nóng lên – có thể thích nghi một cách tự nhiên cũng như tự dâng cao so với mặt biển.

Trong công trình nghiên cứu kéo dài 3 năm, các nhà khoa học đã tiến hành theo dõi các đảo san hô như Maldives và quần đảo Marshall.

Nghiên cứu cũng lập một mô hình rạn san hô và đảo trong bể thí nghiệm với mực nước dâng cao, đồng thời sử dụng các mô phỏng máy tính để tái hiện cách mà các đảo phản ứng với hiện tượng nước biển dâng cao trong thực tế.

Kết quả cho thấy thủy triều vận chuyển trầm tích để giúp các đảo dâng cao hơn mực nước biển và tránh được nguy cơ bị nhấn chìm.

Hoạt động nạo vét cát san hô và trầm tích của cư dân trên đảo sau đó di chuyển chúng đến các bãi biển cũng có thể hỗ trợ quá trình nâng cao tự nhiên của các hòn đảo.

Ngoài ra, việc thiết kế nhà ở an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu, có khả năng chống chịu thiên tai bão lũ, như nhà sàn và nhà di động, cũng có thể giúp cư dân trên đảo thích nghi tốt hơn.

Các đảo quốc ở vùng thấp bị cho là có nguy cơ cao nhất hứng chịu các cơn bão ngày càng mạnh và tình trạng nước biển dâng.

Một số đảo quốc đang chuẩn bị tái định cư và di dân trong vài thập kỷ tới, trong khi nhiều nước khác đã cho xây dựng các bức tường chắn sóng, di chuyển các làng ven biển lên vùng cao hơn, đồng thời kêu gọi viện trợ quốc tế hoặc lập dự án khắc phục thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu.

Theo ông Hideki Kanamaru thuộc Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) khu vực châu Á-Thái Bình Dương, kết quả nghiên cứu của Đại học Plymouth mang đến một cái nhìn mới về cách các đảo quốc có thể ứng phó với tình trạng nước biển dâng.

Tuy nhiên, ông cho rằng, kể cả khi các hòn đảo có khả năng tự thích ứng, con người vẫn cần phải tăng cường các nỗ lực ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu và bảo vệ các cư dân đảo.

Nguồn: