Thủ tướng yêu cầu các bộ nghiên cứu xử lý thông tin của DĐDN trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Đầu tư

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ KH&ĐT, Xây dựng, TN&MT, Tư pháp và UBND TP Đà Nẵng làm rõ thông tin trên DĐDN về người nước ngoài lách luật, sở hữu những lô đất trọng yếu tại Đà Nẵng.

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 4530/VPCP-NN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ liên quan và UBND TP Đà Nẵng tổng hợp nội dung phản ánh của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tại bài viết: “Người nước ngoài “lách luật” sở hữu đất tại Việt Nam: Chính sách đi sau thực tiễn” phản ánh tình trạng người nước ngoài lách luật, sở hữu những lô đất trọng yếu tồn tại nhiều năm và không ý lần được đưa ra xem xét nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn “bó tay” vì luật cho phép.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo:

“1 – Bộ KH-ĐT nghiên cứu, tổng hợp nội dung phản ánh của Báo điện tử Diễn đàn Doanh nghiệp nêu trên trong quá trinhg hoàn thiện dự án Luật Đầu tư sửa đổi, trình Quốc hội thông qua tại kỳ hợp thứ 9, Quốc hội khỏa XIV.

2 – Các Bộ: TN&MT, Xây dựng, Tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ được phân công rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản… báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý.

3 – UBND TP Đà Nẵng báo cáo kết quả thực hiện đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nêu tại Công căn số 8785/VPCP-NN ngày 28/09/2019″.

Trước đó, ngày 19/5, Diễn đàn Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã có bài phản ánh “Người nước ngoài “lách luật” sở hữu đất tại Việt Nam: Chính sách đi sau thực tiễn”.

Cụ thể, gửi đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, nhiều cử tri bày tỏ quan ngại về tình trạng người nước ngoài nhập cảnh đầu tư, kinh doanh và bằng nhiều cách để sở hữu đất đai các khu vực trọng yếu quốc phòng, an ninh.

Trả lời về vấn đề này, Bộ Quốc phòng khẳng định việc quan ngại của các cử tri về vấn đề này là hoàn toàn có cơ sở, các sai phạm trên xuất phát từ lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư năm 2014 về “việc góp vốn bằng đất để liên doanh thành lập doanh nghiệp” và công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực đầu tư, đất đai.

Theo tìm hiểu của PV Diễn đàn Doanh nghiệp, thực tế tình trạng người nước ngoài lách luật, sở hữu những lô đất trọng yếu đã tồn tại nhiều năm qua và không ít lần được đưa ra xem xét, tuy nhiên đến nay các cơ quan chức năng vẫn “bó tay” vì luật cho phép. Các tỉnh, thành có người nước ngoài tập trung “sở hữu” đất đai thời gian qua là Đà Nẵng 22 trường hợp, Quảng Ninh 17, Hải Phòng 16, Bình Định 9, Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi tỉnh có 5 trường hợp.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, một luật sư cho biết người nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam phải có dự án được duyệt và được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới được phép hoạt động. Nhưng công ty nước ngoài được hình thành bằng cách góp vốn, mua CP, phần vốn góp của các công ty trong nước nên họ cũng giống như các công ty trong nước và trở thành chủ sở hữu các dự án sử dụng đất mà không phải qua thẩm định của các cơ quan hữu quan và không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Theo đó, bản chất của vấn đề là pháp lý của Việt Nam chưa lường hết được những phát sinh trong thực tế, hay nói cách khác là chính sách đi sau thực tiễn trong lĩnh vực đầu tư và sở hữu đất đai, tạo kẽ hở cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm cách lách luật, sở hữu đất trái phép.

Trước thực trạng này, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang dự thảo Luật đầu tư sửa đổi theo hướng bổ sung quy định nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp có quyền sử dụng đất ở khu vực biên giới, hải đảo và các vùng nhạy cảm về an ninh quốc gia thì phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư cấp tỉnh.

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký việc thực hiện góp vốn để cơ quan đăng ký đầu tư xem xét các điều kiện, thủ tục góp vốn có đáp ứng yêu cầu hay không. Kể cả trường hợp doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại các khu vực này thời gian tới đều phải lấy ý kiến và được sự đồng ý của các bộ Quốc phòng, Công an và Ngoại giao.