Khẩn trương chống hạn trong thời gian xử lý sự cố tại Bara Đô Lương

Ngay sau sự cố sập khoang số 10 và 11 tại đập dâng Bara Đô Lương gây ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho hệ thống Thủy lợi Bắc, tỉnh Nghệ An đã có thông báo gửi UBND các huyện và đơn vị thủy nông liên quan, yêu cầu có biện pháp chủ động nguồn nước, khẩn trương chống hạn trong thời gian khắc phục sự cố trên.

Công ty TNHH Hòa Hiệp đang tập trung máy móc và nhân, vật lực khẩn trương hàn đoạn bị sự cố tại đập Bara Đô Lương.

Thông báo gửi UBND các huyện: Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An nêu rõ: Rạng sáng ngày 7-6, khoang số 10 và một phần khoang số 11 của đập Đô Lương bị sập. Hiện đơn vị thi công đang tập trung phương tiện thi công 24/24 giờ. Tuy nhiên, việc khắc phục nhanh nhất có thể cần 3-5 ngày tới. Trong thời gian này, lưu lượng nước vào hệ thống kênh chính Đô Lương sẽ bị ảnh hưởng, giảm từ 50-70%, gây khô hạn cho các huyện sử dụng nước hệ thống Thủy lợi Bắc, với diện tích khoảng 20.000 ha lúa đã gieo cấy đồng thời khó khăn cho diện tích lúa đang và chuẩn bị gieo cấy.

Để diện tích lúa sinh trưởng và phát triển cũng như bảo đảm kế hoạch gieo cấy trong hệ thống, đề nghị UBND các huyện và đơn vị thủy lợi nói chuẩn bị các phương án chống hạn của vùng tự chảy, lấy nước từ kênh chính và các kênh nhánh, tận dụng mọi nguồn nước trong thời gian khắc phục sự cố nói trên.

Liên tục trong hai ngày qua, đơn vị thi công (Công ty TNHH Hòa Hiệp) đã huy động ba máy múc cùng hàng chục xe tải hạng nặng hoạt động khẩn trương, liên tục để đưa đá hộc và các khối bê tông (gần hai m3/khối) vào vị trí phía trước khoang số 10 và 11, lấp dần đoạn thân đập bị sập này. Mặc dù, nước Sông Lam cuộn chảy qua đoạn đập bị sự cố rất mạnh (do dòng chảy bị thu hẹp), nhưng đến cuối chiều nay, việc đổ đá “hàn” thân đập đã đạt gần 50% khối lượng công việc; đồng nghĩa với việc mực nước sông Đào đã dâng lên đáng kể.

“Trong ba ngày nữa, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành việc khắc phục sự cố, nhằm đáp ứng nguồn nước dẫn về kênh Đào như trước khi xảy ra sự cố, cung cấp nước cho các huyện nói trên”, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp Phạm Đình Hạnh cho biết.

Trạm cấp nước Đô Lương đã khẩn trương lắp máy bơm dã chiến để bơm chuyền nước thô cho nhà máy nước.

Bên cạnh đó, Trạm trưởng Trạm cấp nước Đô Lương Võ Đặng Dũng cho biết: Sau bảy giờ khi xảy ra sự cố trên, đến 4 giờ sáng ngày 7-6, trạm bơm nước thô bị ngừng hoạt động vì nước sông Đào cạn kiệt và nằm dưới họng bơm nước. Điều này đã khiến gần 7.900 hộ dân ở thị trấn Đô Lương và bảy xã vùng phục cận bị ngừng cấp nước sinh hoạt tạm thời. Trước tình hình đó, doanh nghiệp đã tiến hành lắp đặt kịp thời trạm bơm dã chiến để hỗ trợ, bơm chuyền nước vào bể chứa. Đến chiều 8-6, nhà máy nước Đô Lương đã được cung cấp khoảng 60-70% khối lượng nước thô, nên hàng nghìn hộ dân ở thị trấn Đô Lương và vùng lân cận đã được cấp nước trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn hàng nghìn hộ dân khác ở cuối hệ thống vẫn đang còn thiếu nước dùng.

Như Nhân Dân Điện tử đã đưa tin, khoảng 21 giờ 15 phút ngày 6-6, tại thân đập cũ của Bara Đô Lương xảy ra sự cố sập khoang số 10 và 11 đã làm ảnh hưởng đến nước tưới cho hàng chục nghìn ha lúa đã và chuẩn bị gieo cấy ở các huyện Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu và Diễn Châu. Trong những này ở Nghệ An nắng nóng gay gắt, kết hợp với gió Lào thổi mạnh, lại không có nguồn nước thủy lợi bổ sung nên nhiều ruộng lúa mới gieo cấy đã bị khô, và có hiện tượng nứt nẻ. Do thiếu nước, nhiều diện tích không thể gieo cấy lúa, trong lúc lịch thời vụ chỉ còn vài ba ngày tới. Cùng với việc ảnh hưởng nước dân sinh tạm thời của hàng nghìn hộ dân ở các địa phương của các huyện Đô Lương, Yên Thành…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo Công ty TNHH Hòa Hiệp huy động phương tiện và nhân, vật lực tập trung khắc phục sự cố trên xong trước ngày 11-6.

Nhà máy nước Đô Lương đã vận hành được 60-70% công suất để cấp nước cho người dân trong vùng.

Được biết, đập Bara Đô Lương tại hai xã Tràng Sơn và Đặng Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) được Pháp xây dựng từ năm 1930 đến năm 1937 để phục vụ tưới tiêu cho các vùng đồng bằng Nghệ An. Công trình có 12 khoang tràn, mỗi khoang rộng 23m và một cửa xả cát rộng 21m. Qua hơn 80 năm khai thác và sử dụng đập đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Năm 2018, tỉnh Nghệ An đã triển khai đầu tư xây dựng đập dâng mới, thay thế đập dâng cũ với nguồn vốn hơn 300 tỷ đồng… Dự án này hoàn thành sẽ bảo đảm nguồn tưới ổn định cho hơn 28.000 ha đất nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt cho bốn huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai.