Hành động vì thiên nhiên và đổi mới vì một đại dương bền vững

Đây là chủ đề Ngày Môi trường thế giới (5-6) và Ngày Đại dương thế giới (8-6) năm 2020 do Liên hợp quốc phát động, được Việt Nam hưởng ứng từ nhiều năm qua và đã trở thành phong trào rộng khắp trên cả nước.

San hô ở vùng biển Vườn quốc gia Núi Chúa. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Thành phần môi trường quan trọng cần bảo vệ

Ngày Môi trường thế giới năm 2020 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đánh giá là một dấu mốc quan trọng đối với các quốc gia, trong việc cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Với việc tăng cường đồng loạt các biện pháp, hoạt động nhằm phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước, đồng thời đây là thời điểm mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và Trái đất của chúng ta.

Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có tính đa dạng cao trên thế giới, hiện có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500ha, gồm 33 vườn quốc gia, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 56 khu bảo vệ cảnh quan (tăng 7 khu bảo tồn so với năm 2015 với tổng diện tích tăng thêm gần 73.260 ha).

Đồng thời có 9 khu Ramsar với tổng diện tích hơn 120.000ha; có 10 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích gần 188.000ha; có 9 khu vực được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích hơn 4,2 triệu ha. Trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hồ sơ đề cử và được Ban Thư ký ASEAN công nhận thêm 4 vườn di sản ASEAN, nâng tổng số vườn di sản ASEAN của Việt Nam thành 10 khu.

Với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai thành công việc thành lập 2 khu bảo tồn đất ngập nước, đó là khu Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) và phá Tam Giang – Cầu Hai (tỉnh Thừa – Thiên Huế). Mặt khác đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Trong đó xây dựng và hoàn thiện pháp luật: Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội thông qua năm 2008 và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành; đang tiến hành sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, trong đó dự thảo 7 điều có nội dung liên quan để góp phần làm tốt hơn công tác bảo tồn đa dạng sinh học, xem “cảnh quan thiên nhiên”, đa dạng sinh học là thành phần môi trường quan trọng cần quan tâm, bảo vệ.

Bộ cũng đã lập quy hoạch quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu bảo tồn đến năm 2030. Tăng cường giải pháp quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua giải pháp dựa vào thiên nhiên, “thuận thiên”, phát huy tri thức bản địa để giảm nhẹ tác động tới các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Chú trọng quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái đất ngập nước, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; thực hiện chương trình bảo tồn loài nguy cấp; quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen. Thúc đẩy các hoạt động quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học. Tiếp tục hợp tác của các bên liên quan, bao gồm các đối tác quốc tế, sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng. Tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học từ trung ương đến địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đa dạng sinh học.

Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Đổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”, với mục đích đổi mới công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch của các bộ, ngành và địa phương nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ, về việc ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ ngày 22-10-2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ xác định phải triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Nghị quyết 36 và Nghị quyết 26, tập trung vào 5 lĩnh vực quan trọng cần đổi mới và đột phá.

Đó là rà soát, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; coi khoa học – công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao là phương tiện thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo vào công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong công tác quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ đảm bảo hiện đại, đồng bộ, nâng cao hiệu quả phối hợp và xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn cao. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, thực hiện tốt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030. Nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) đóng góp trách nhiệm vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững. Chủ động, tích cực tham gia và đề xuất, thực hiện các sáng kiến hợp tác về các lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trong khuôn khổ ASEAN và khu vực Thái Bình Dương, góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp trên biển của Việt Nam.

Năm nay, Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới diễn ra trong bối cảnh toàn cầu đang phải chống đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sớm chủ động xây dựng các phương án và ban hành những văn bản hướng dẫn, định hướng các cấp, ngành và địa phương xây dựng các kế hoạch truyền thông, tuyên truyền. Phát động Tháng hành động vì môi trường, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2020 tập trung vào các hình thức truyền thông trực tuyến và truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tiết kiệm, hiệu quả).

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các chương trình, phát động các cuộc thi, phong trào thiết thực ý nghĩa, cổ vũ lan tỏa tới cộng đồng, cụ thể như: Chương trình tọa đàm về chủ đề Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới dự kiến phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam; chương trình phối hợp giữa Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường với các đoàn thanh niên sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cuộc thi sáng kiến “Mô hình văn phòng xanh thân thiện với môi trường”; chương trình giới thiệu về cuộc thi ảnh đa dạng sinh học năm 2020; chương trình diễn đàn “Thanh niên với công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học” và chương trình đạp xe tuần hành hưởng ứng sự kiện… Bộ Tài nguyên và Môi trường còn phối hợp với UBND tỉnh Thừa – Thiên Huế và các đơn vị liên quan tổ chức công bố khu bảo tồn đất ngập nước phá Tam Giang – Cầu Hai tại tỉnh Thừa – Thiên Huế.