Cập nhật 7h ngày 2/6: Gần 377.000 ca Covid-19 toàn cầu tử vong, WHO “níu kéo” Mỹ, Thủ đô Ấn Độ chuẩn bị cho ‘điều tồi tệ nhất’

Tính đến 6h ngày 2/6, theo trang thống kê Worldometers, đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đã cướp đi sinh mạng của 376.826 người trong tổng số 6.355.888 trường hợp mắc bệnh trên toàn thế giới.

WHO muốn duy trì quan hệ cộng tác với Mỹ bất chấp việc Tổng thống Donald Trump quyết định cắt đứt quan hệ với cơ quan này. (Nguồn: Getty Images)

Cho đến nay, toàn cầu có 2.888.529 người mắc Covid-19 đã bình phục.

Có 6 quốc gia ghi nhận số người mắc Covid-19 từ 200.000 ca trở lên, trong đó Mỹ dẫn đầu về số người nhiễm và tử vong, lần lượt là 1.857.865 và 106.886.

Brazil xếp thứ 2 thế giới với 525.307 ca mắc, trong đó có 29.777 ca tử vong;

Nga đứng thứ 3 với 414.878 ca mắc và 4.855 ca tử vong. Cho dù số ca nhiễm cao, Tổng thống Nga tuyên bố dịch Covid-19 đã qua đỉnh, thủ đô Moscow đã quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó các trung tâm thương mại và công viên được mở cửa trở lại từ ngày 1/6. Tuy nhiên, lệnh cấm tụ tập đông người vẫn duy trì trong thời gian cách ly toàn Moscow mà theo quy định sẽ kéo dài ít nhất đến ngày 14/6 tới.

Tây Ban Nha xếp thứ 4 với 286.718 ca mắc, trong đó có 27.127 ca tử vong;

Anh xếp hạng 5 trong top những quốc gia có số ca nhiễm cao, với 276.332 trường hợp, trong đó có 39.045 ca tử vong, cao thứ 2 thế giới sau Mỹ. Cũng trong ngày 1/6, Anh bắt đầu mở cửa trở lại một phần các trường học và cho phép những đối tượng dễ bị tổn thương nhất ra ngoài.

Italy chốt danh sánh ‘top 6’ quốc gia với 233.197 ca nhiễm, trong đó có 33.475 ca tử vong. Đáng chú ý, số ca bệnh mới vừa được xác nhất ở Italy là mức gia tăng theo ngày thấp nhất kể từ cuối tháng 2.

Bên cạnh đó, Italy còn ghi nhận thêm 848 bệnh nhân Covid-19 hồi phục sức khỏe, nâng tổng số trường hợp được điều trị thành công lên 158.355 người.

* Ngày 1/6, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, WHO muốn duy trì hợp tác với Mỹ bất chấp việc Tổng thống Donald Trump quyết định cắt đứt quan hệ với cơ quan y tế này của Liên hợp quốc (LHQ).

Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, quan hệ giữa Mỹ với WHO đã tạo ra “biến đổi lớn” trong những thập kỷ qua và “WHO mong muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ cộng tác này”.

Trước đó, hôm 29/5, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ chấm dứt quan hệ của Mỹ với WHO do tổ chức này không nỗ lực đủ để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 khi dịch bệnh mới bùng phát, đồng thời cáo buộc WHO là bù nhìn của Trung Quốc khi xảy ra đại dịch.

* Tại Ấn Độ, trang mạng ANI ngày 1/6 đưa tin, Cơ quan quản lý thảm họa Delhi (DDMA) cùng ngày đã yêu cầu các quận chuẩn bị kế hoạch cho tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến tồi tệ nhất.

Phó Giám đốc điều hành DDMA Rajesh Goyal cho biết, trước tình hình số bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 ngày một tăng ở Delhi, chính quyền bắt buộc phải lên kế hoạch trước. Theo yêu cầu của DDMA, các quận cần tăng số giường bệnh, tốt nhất là trong các phòng đa năng lớn, đại sảnh hoặc sân vận động trong nhà đồng thời xác định thêm nơi hỏa táng hoặc chôn cất cho những bệnh nhân tử vong.

Các quận phải báo cáo chính quyền Delhi thông tin về kế hoạch chuẩn bị trước 16h ngày 3/6.

Cho đến nay, Ấn Độ ghi nhận 198.370 người mắc Covid-19, trong đó có 5.608 ca tử vong và 95.754 người bình phục.

* Ngày 1/6, Người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Stephane Dujarric cảnh báo, các ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ Latinh và Caribbean đã vượt quá con số ghi nhận hằng ngày tại Mỹ và châu Âu, trở thành tâm điểm mới của đại dịch Covid-19, đồng thời kêu gọi hỗ trợ khu vực này trong công cuộc đối phó với dịch bệnh.

LHQ sẵn sàng hỗ trợ các chính phủ và người dân khu vực thông qua các cơ quan, quỹ và chương trình khác nhau, bao gồm việc phát triển các kế hoạch ứng phó đại dịch cấp quốc gia. Ngoài ra, LHQ cũng sẽ hỗ trợ tư vấn công tác đối phó dịch bệnh cho các nhà chức trách quốc gia, bao gồm cả việc gửi các nhóm chuyên viên trực tiếp tới hỗ trợ tại các nước.

Ông Dujarric nêu rõ, Venezuela, Colombia, Haiti và Guatemala nằm trong số các nước cần được tiếp nhận hỗ trợ trong các lĩnh vực như vệ sinh dịch tễ, cung cấp nước và lương thực…

Bác sĩ tại Bệnh viện Common Sprite đặt nội khí quản cho một bệnh nhân Covid-19, ở Los Angeles, California, Mỹ. (Nguồn: Reuters).

Cùng ngày, WHO cũng kêu gọi sự hỗ trợ đặc biệt cho khu vực Mỹ Latinh trong bối cảnh 4 quốc gia ghi nhận số ca mắc Covid-19 hàng ngày nhiều nhất thế giới hiện nay đều rơi vào khu vực này gồm Brazil, Peru, Chile và Mexico.

Giám đốc điều hành về Khẩn cấp y tế của WHO Mike Rayan nhấn mạnh, cần tập trung hỗ trợ cho Nam Mỹ và Trung Mỹ trong việc đối phó dịch bệnh, bởi không nơi nào trên thế giới sẽ được an toàn cho đến khi tất cả các khu vực được an toàn.

Quan chức WHO cũng nêu rõ, mặc dù các con số không tăng theo cấp số nhân, song vẫn có sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm bệnh tại Argentina, Colombia và Bolivia, đồng thời bảy tỏ quan ngại đặc biệt đối với tình hình tại các nước có hệ thống y tế yếu kém như Haiti. Bên cạnh đó, bối cảnh xã hội phức tạp còn làm nghiêm trong hơn tình trạng khẩn cấp y tế tại các nước Mỹ Latinh, điển hình như tình trạng nghèo đói tại phần lớn các nước trong khu vực.

Theo các con số thống kê y tế quốc gia, Mỹ Latinh đã ghi nhận các ca nhiễm vượt quá 1 triệu người, chiếm 1/6 tổng số ca bệnh trên thế giới, trong đó 50% số người mắc tập trung tại Brazil.

* Ngày 1/6, Bộ Y tế Ai Cập thông báo ghi nhận 1.399 ca mắc Covid-19 mới, đưa tổng số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 lên 26.384 người.

Theo bộ trên, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong ở Ai Cập đã lên tới 1.005 người, sau khi ghi nhận thêm 46 ca tử vong trong ngày 1/6. Bên cạnh đó, Ai Cập cũng có thêm 410 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh và được phép xuất viện, nâng tổng số trường hợp được điều trị thành công lên 6.297 người.

Thủ tướng Mostafa Madbouly cùng ngày cho biết, Ai Cập có khả năng vẫn sẽ phải đối mặt với tình trạng gia tăng các ca bệnh mới trong 2 tuần tới.

Trong khi đó, báo Ahram dẫn phát biểu của Bộ trưởng Giáo dục Đại học và Nghiên cứu Khoa học Khaled Abdel-Ghaffar cho rằng, theo một kịch bản mang tính giả thuyết của Chính phủ Ai Cập, số ca nhiễm SARS-CoV-2 có thể lên đến 100.000 người hoặc thậm chí là 1 triệu người trong tương lai.

Tại Việt Nam, tính đến 7h ngày 2/6, có tổng cộng 328 người mắc Covid-19, trong đó có 293 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong số 35 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, có 17 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1 lần trở lên.

Cho đến nay, đã 47 ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.