Phát hiện hóa thạch tê giác khổng lồ 26,5 triệu năm tuổi

Hóa thạch tê giác cực lớn vừa được công bố cho thấy sinh vật cổ đại này to hơn voi ma mút và có trọng lượng bằng 4 con voi Châu Phi hoặc 8 con tê giác trắng cộng lại.

Hóa thạch 2 con tê giác khổng lồ, có niên đại khoảng 26,5 triệu năm đã được khai quật ở Trung Quốc, theo nghiên cứu công bố ngày 17.6.

Phát hiện mới gợi ý về một giai đoạn quan trọng của lịch sử khoa học cũng như hé lộ thêm về cảnh quan của Châu Á hàng triệu năm trước.

Hai hóa thạch tê giác khổng lồ vừa được phát hiện lớn hơn nhiều so với tê giác hiện đại. Các nhà khảo cổ đặt tên cho tê giác này là Paraceratherium linxiaense.

Paraceratherium linxiaense có trọng lượng cơ thể 24 tấn, tương đương với tổng trọng lượng của 4 con voi Châu Phi trưởng thành hoặc 8 con tê giác trắng.

Tê giác khổng lồ Paraceratherium linxiaense có chiều cao đến vai gần 5m và chiều dài cơ thể khoảng 11m. Đầu của tê giác khổng lồ có thể vươn tới chiều cao khoảng 7m.

Kích thước “siêu to khổng lồ” này khiến Paraceratherium linxiaense lớn hơn cả voi ma mút và trở thành loài động vật có vú trên cạn lớn nhất từng sống trên Trái đất.

Hóa thạch tê giác khổng lồ được các nhà khảo cổ phát hiện tháng 5.2015 ở khu vực Linxia thuộc tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc. Khu vực Linxia nơi phát hiện các hóa thạch tê giác khổng lồ vốn nổi tiếng từ những năm 1950 về hóa thạch.

Một hóa thạch bao gồm hộp sọ, xương hàm và răng, và đốt xương nối đầu với cột sống. Hóa thạch còn lại bao gồm 3 đốt xương cột sống.

Từ những mẫu vật này, các nhà khoa học đã tái dựng lại loài sinh vật cổ đại và nhận thấy chúng đủ khác biệt để tạo thành một loài mới, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Communications Biology.

Theo các nhà nghiên cứu, tê giác khổng lồ phổ biến ở Châu Á tại một số nơi như Pakistan, Trung Quốc, Mông Cổ và Kazakhstan, trong đó chi Paraceratherium là chi phân bố rộng rãi nhất của tê giác khổng lồ.

Đồng tác giả nghiên cứu Lawrence Flynn cho hay, phần đáng ngạc nhiên nhất của phát hiện hóa thạch là nó cho thấy thảm thực vật có năng suất cao ở những khu vực Châu Á mà tê giác khổng lồ và các sinh vật có vú khác sinh sống.

Donald Prothero, nhà cổ sinh vật học của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Hạt Los Angeles, Mỹ, và là tác giả của một cuốn sách về tê giác khổng lồ, cho biết, loài động vật này là một trong những sinh vật khổng lồ sống sót sau cùng trên Trái đất.

Các loài động vật có vú khổng lồ thường sống ở một số thời kỳ tiền sử trước đó nhưng hầu như đã chết khi khí hậu trở nên khô hơn nhiều ở thế Tiệm Tân, khoảng 34 đến 23 triệu năm trước.

Khí hậu khô hạn hơn khiến các khu rừng rộng lớn trên Trái đất suy kiệt và hầu hết loài động vật có vú sống dựa vào rừng để kiếm thức ăn tuyệt chủng. Dù vậy, tê giác khổng lồ vẫn sống sót trong một thời gian.