Xử lý 84% vi phạm về động vật hoang được phát hiện nhờ người dân

Theo số liệu của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) công bố ngày 20/5, các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 84% trong tổng số các dấu hiệu vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) được người dân thông báo trong năm 2019.

Đồ họa hiệu quả xử lý vi phạm về động vật hoang dã.

Thanh Hóa, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Dương và Đà Nẵng là những địa phương đạt hiệu quả xử lý vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo cao nhất trong cả nước. 94 – 100% các dấu hiệu vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo đã được các cơ quan chức năng quan tâm xử lý. Hơn thế nữa, cơ quan chức năng tại các địa phương này cũng đã nhanh chóng hành động và xử lý thành công hơn 50% vụ việc có dấu hiệu vi phạm.

Trên phạm vi cả nước, mặc dù tỷ lệ bình quân xử lý các vi phạm do người dân thông báo lên đến 84%, tuy nhiên, số lượng vụ việc được xử lý thành công lại khá khiêm tốn. Trong năm 2019, ENV chỉ ghi nhận 35% các vụ việc trong tổng số thông báo vi phạm về ĐVHD từ người dân cho kết quả thành công.

Bên cạnh 5 tỉnh, TP có thành tích xuất sắc, báo cáo cũng chỉ ra một số địa phương còn kém hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo. Đáng chú ý, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều chỉ đạt tỷ lệ xử lý thành công vi phạm liên quan đến động vật sống thấp hơn mức trung bình chung của cả nước.

Trong năm 2020, ENV kêu gọi cơ quan chức năng tất cả các địa phương, bao gồm cả các tỉnh, thành dẫn đầu về hiệu quả xử lý vi phạm, tiếp tục nỗ lực cải thiện tỷ lệ xử lý các vi phạm do người dân thông báo để nâng mức bình quân cả nước là 90%. Hơn nữa, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường hiệu quả xử lý thành công các vi phạm do người dân thông báo để ít nhất đạt 50% các vụ việc được thông báo.

“Công tác đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép không hề dễ dàng, nhưng đó là một trọng trách được giao cho cơ quan chức năng tại các địa phương trên cả nước. Hơn bao giờ hết, sự chung tay của cộng đồng chính là yếu tố quan trọng để chấm dứt tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép” – bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV chia sẻ.