Châu Nam Cực xuất hiện “tuyết xanh”

Biến đổi khí hậu đã biến tuyết trắng xóa ở lục địa băng giá Nam Cực thành màu xanh lục.

Biến đổi khí hậu đã biến tuyết trắng xóa ở Châu Nam Cực thành”tuyết xanh”. Ảnh: AFP

Theo nghiên cứu mới nhất được công bố ngày 20.5, nhiệt độ ấm lên đang giúp nhiều vùng “tuyết xanh” ở Nam Cực hình thành, lan rộng và xuất hiện ở những nơi thậm chí có thể nhìn thấy được từ bản đồ không gian.

Dù sự có mặt của tảo ở Nam Cực đã được phát hiện trong các cuộc thám hiểm như cuộc thám hiểm của Ernest Shackleton, nhưng vẫn chưa có những nghiên cứu về độ phủ của chúng.

Bằng cách sử dụng dữ liệu được thu thập trong 2 năm qua nhờ vệ tinh Sentinel 2 của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cùng với các quan sát trên mặt đất, hiện nay, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Cambridge và Khảo sát Nam Cực của Anh đã tạo ra bản đồ đầu tiên về loài tảo nở hoa trên Châu Nam Cực.

“Bây giờ, chúng ta có cơ sở về nơi tảo nở hoa và chúng ta có thể xem liệu trong tương lai những cây đó có tăng số lượng như mô hình nghiên cứu đưa ra hay không” – Reuters dẫn lời nhà khoa học Matt Davey thuộc khoa Khoa học Thực vật của Đại học Cambridge cho biết.

Rêu và địa y được coi là những thực vật quang hợp chiếm phần lớn ở Nam Cực, nhưng giờ đây quá trình này được thay thế bằng 1.679 cây tảo nở hoa mới được tìm thấy ở lục địa này.

Màu xanh lục không phải là màu sắc duy nhất ở Nam Cực. Các nhà khoa học hiện đang lên kế hoạch nghiên cứu tương tự trên tảo có sắc đỏ và cam dù điều đó khiến việc lập bản đồ không gian khó hơn.