Giới khoa học cần chống lại ngụy khoa học về COVID-19

Cộng đồng khoa học phải dấn thân trong cuộc chiến chống lại những thứ nhảm nhí” là quan điểm của Timothy Caulfield, giáo sư luật và chính sách y tế tại Đại học Alberta, Edmonton, Canada. Và quan điểm này được phản ánh rõ trong bài viết vừa được ông đăng tải trên tạp chí khoa học Nature.

Nước tiểu bò, thuốc tẩy và cocaine đều được giới thiệu là phương pháp chữa trị COVID-19 – tất cả đều nhăng nhít. Đại dịch bị coi là một vũ khí sinh học bị rò rỉ ra ngoài, sản phẩm phụ của công nghệ không dây 5G và một trò bịp bợm chính trị – tất cả cũng đều là chuyện tầm phào. Chưa hết, vô số người có uy tín về chăm sóc sức khỏe và những người hành nghề y học thay thế đã quảng cáo các phương thuốc và cách thức chưa được kiểm chứng là cách “tăng cường” hệ miễn dịch.

Rất may, sự bùng nổ của thông tin sai lệch này – hay như WHO gọi là “đại dịch thông tin” – được ứng đối bằng một đội quân kiểm chứng thực tế và vạch trần sai trái. Các nhà quản lý đã thực hiện những bước đi tích cực buộc đội ngũ tiếp thị phải giải trình các liệu pháp chưa được chứng minh. Các nhà tài trợ cũng hỗ trợ giới nghiên cứu tìm ra cách tốt nhất để chống lại thông tin khoác lác về COVID-19 lây lan.

Ảnh: Internet

Tôi nghiên cứu sự lan truyền và tác động của thông tin y tế sai lệch trong nhiều thập kỷ và chưa bao giờ thấy chủ đề này nghiêm trọng như bây giờ. Có lẽ là do quy mô của cuộc khủng hoảng và thông tin sai lệch vô nghĩa có ở khắp nơi, kể cả lời khuyên từ một số chính trị gia rất nổi bật. Nếu phản ứng ủng hộ khoa học kiểu này kéo dài, tất cả các nhà khoa học – không chỉ một vài người trong chúng ta – phải đứng lên vì thông tin chất lượng.

Đây là hai điểm để bắt đầu hành động.

Đầu tiên, chúng ta phải ngừng dung túng và chính thống hóa ngụy khoa học về y tế, đặc biệt là tại các trường đại học và các tổ chức chăm sóc sức khỏe. Nhiều liệu pháp COVID-19 không có thật đã được các trung tâm y tế tại các trường đại học hàng đầu và bệnh viện chấp nhận. Nếu một tổ chức có uy tín, chẳng hạn như Phòng khám Cleveland ở Ohio sử dụng phương pháp trị liệu reiki – một thực hành không mang tính khoa học liên quan đến việc đặt tay trị bệnh, thậm chí không chạm vào bệnh nhân để cân bằng “năng lượng sinh lực chảy qua tất cả các sinh vật sống” – thì có gì đáng ngạc nhiên khi một số người nghĩ rằng kỹ thuật này có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và làm cho họ ít bị nhiễm virus hơn? Một lập luận tương tự có thể được đưa ra về các nhà cung cấp dịch vụ y tế công cộng ở Canada và Vương quốc Anh: bằng cách đưa ra phương pháp vi lượng đồng căn, họ thực sự khuyến khích ý tưởng rằng phương thuốc đáng ngờ về mặt khoa học này có thể chống lại COVID-19. Đây chỉ là một vài trong vô số ví dụ.

Ở Canada, các cơ quan quản lý đang mạnh tay xử lý những nhà cung cấp dịch vụ trị liệu thần kinh cột sống, hoặc sử dụng liệu pháp thiên nhiên, thảo dược và chữa bệnh toàn diện – những đơn vị tiếp thị các sản phẩm điều trị COVID-19. Ý tưởng về việc điều chỉnh cột sống, liệu pháp tiêm vitamin vào tĩnh mạch hoặc vi lượng đồng căn có thể chống lại một bệnh truyền nhiễm là vô nghĩa trước đại dịch.

Cuộc chiến chống lại ngụy khoa học bị suy yếu nếu các tổ chức y tế đáng tin cậy lên án một thực hành không có bằng chứng trong một bối cảnh và chính thống hóa nó trong một bối cảnh khác. Lúc nào chúng ta cũng cần khoa học đúng đắn nhưng trong thảm họa lại càng cần hơn.

Có một số bằng chứng cho thấy các phương pháp điều trị thay thế và hiệu ứng giả dược có thể làm giảm đau đớn – một biện minh phổ biến cho việc dung túng các phương pháp điều trị thay thế chưa được chứng minh. Nhưng đem tư duy huyền bí đó ra đánh lừa mọi người (thậm chí vì lợi ích của họ) là không thích đáng, và cũng không thích đáng nếu giới khoa học coi những thông tin sai lệch đó là không cần để ý tới.

Thứ hai, nên có thêm các nhà nghiên cứu tham gia tích cực vào cuộc chiến công khai chống lại thông tin sai lệch. Những người rêu rao những thông tin chưa được chứng minh này lại sử dụng ngôn ngữ của khoa học thực sự – một hiện tượng mà tôi gọi là “mượn danh khoa học” để hợp thức hóa sản phẩm của họ. Than ôi, tất cả những gì họ làm lại quá hiệu quả. Những người ủng hộ lập luận rằng các liệu pháp vi lượng đồng căn và năng lượng dựa trên vật lý lượng tử. Liệu pháp thải độc đại tràng được biện minh bằng cách sử dụng từ ngữ mượn từ các nghiên cứu microbiome (thuật ngữ chỉ toàn bộ hệ gen của các vi sinh vật sống trong và trên cơ thể con người). Và ngôn ngữ của nghiên cứu tế bào gốc được sử dụng để quảng cáo một loại thuốc xịt tự nhận là có đặc tính tăng cường miễn dịch.

Chúng ta cần các nhà vật lý, nhà vi trùng học, nhà miễn dịch học, bác sĩ tiêu hóa và tất cả những nhà khoa học từ các ngành liên quan cung cấp nội dung đơn giản và có thể chia sẻ giải thích lý do tại sao việc “cướp cạn” nghiên cứu thực sự như trên là không chính xác và không trung thực về mặt khoa học.

Thực sự cần phải nói rằng vật lý lượng tử không giải thích được cho liệu pháp vi lượng đồng căn và liệu pháp năng lượng như reiki, rằng thải độc cũng không tăng cường hệ miễn dịch của bạn, và rằng thuốc xịt bổ sung không thể tăng cường chức năng tế bào gốc của bạn.

Trong một thế giới, nơi mà những người chống vaccine và những người phủ định biến đổi khí hậu vẫn tồn tại thì sẽ là vô vọng khi nói về lý lẽ, đặc biệt là khi các thuật toán truyền thông xã hội và các chủ thể xấu cố tình khuếch đại các thông điệp ngụy khoa học. Không dễ dàng giải quyết vấn đề này nhưng cũng không dễ tìm thấy các thông điệp khoa học tốt. Chúng ta cần thêm nhiều nhà nghiên cứu cùng nỗ lực. Một cuộc tìm kiếm nhanh chỉ cho kết quả là một nhà vật lý phản bác công khai quan điểm đem vật lý lượng tử giải thích cho liệu pháp vi lượng đồng căn, mặc dù tôi biết rằng quan điểm này nhận được sự đồng thuận áp đảo.

Chuyên gia về thông tin sai lệch Claire Wardle thuộc Đại học Harvard cho biết: “Cách tốt nhất để chống lại thông tin sai lệch là đưa ra thật nhiều thông tin chính xác, dễ tiêu hóa, hấp dẫn và dễ chia sẻ trên thiết bị di động”. Vì vậy, hãy đưa ra thật nhiều thông tin như thế.

Đăng tweet. Viết bình luận cho báo chí nổi tiếng. Đưa ra các bài giảng công khai. Trả lời các câu hỏi của phóng viên. Cho phép các học viên tham gia vào truyền thông khoa học. Chia sẻ thông tin chính xác mà bạn cảm thấy có giá trị cho công chúng. Khiếu nại với cơ quan quản lý hoặc tổ chức giám sát thích hợp nếu bạn nghĩ rằng có một vấn đề cần khắc phục.

Cải chính viện dẫn xuyên tạc nên được xem là một trách nhiệm nghề nghiệp. Một số hội khoa học đã đi theo hướng đó. Ví dụ năm 2016, tôi làm việc với Hiệp hội nghiên cứu tế bào gốc quốc tế về các hướng dẫn dịch thuật lâm sàng của họ, nói với các nhà nghiên cứu “quảng bá rộng rãi các viện dẫn chính xác, cân bằng và đáp ứng yêu cầu của công chúng”, và để đảm bảo công việc của họ không bị xuyên tạc.

Tất nhiên, một phần cuộc chiến của cộng đồng khoa học chống lại ngụy khoa học là giữ cho ngôi nhà của mình ngăn nắp. Làm thế sẽ khiến các thuyết âm mưu y sinh và luận điểm vô nghĩa khác trở thành mối quan tâm chính đáng về cách nghiên cứu được tài trợ, giải thích và phổ biến. Tính toàn vẹn khoa học – đặc biệt là kiềm chế sự cường điệu và minh bạch về xung đột – là rất quan trọng. Chúng ta phải xúc tiến cả niềm tin vào khoa học và khoa học đáng tin cậy.

Chúng ta hãy hy vọng rằng một trong những di sản của cuộc khủng hoảng này là sự thừa nhận rằng việc dung túng cho ngụy khoa học có thể gây ra tác hại thực sự. Khoa học nghiêm túc và sự tin tưởng của công chúng có lẽ là những công cụ có giá trị nhất trong cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch.

Nhật Anh (Theo Nature)

Nguồn: