40 triệu năm trước ếch từng lang thang khắp Nam Cực

Cách đây khoảng 40 triệu năm, lục địa lạnh lẽo nhất hành tinh từng là nơi trú ngụ của nhiều sinh vật thích nghi với điều kiện khí hậu ấm áp.

Theo báo cáo khoa học vừa được công bố trên tạp chí Scientific Reports, các nhà nghiên cứu đã phát hiện hóa thạch của một con ếch tại Nam Cực, niên đại khoảng 40 triệu năm. Đây là bằng chứng cho thấy có sự khác biệt lớn về mặt khí hậu lục địa này trong giai đoạn trước kia.

Hóa thạch vừa tìm thấy thuộc họ Calyptocephalellidae, hay còn được biết đến với tên gọi phổ biến là “ếch mũ bảo hiểm”, gồm 5 loài hiện tại đang sinh sống ở các khu rừng bao quanh dãy Andes, Chile.

Loài ếch sống trong rừng nhiệt đới Nam Mỹ từng có mặt ở Nam Cực. (Ảnh: Swedish Museum of Natural History)

Hóa thạch thu được chỉ dài vài milimet, gồm mảnh vỡ hộp sọ và một phần xương hông. Các nhà khoa học Argentina và Thụy Điển đã tìm thấy khi thăm dò tại Seymour, nằm gần mũi bán đảo Nam Cực.

Thomas Mors, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thụy Điển, người đứng đầu nghiên cứu, gọi phát hiện này là một khám phá bất ngờ, thú vị.

“Mục đích của dự án là tìm kiếm hóa thạch động vật có vú, để có thêm thông tin về đời sống của chúng ở Nam Cực trước khi đóng băng”, ông Mors nói. “Trong 3 chuyến thám hiểm, chúng tôi thực hiện nhiều khảo sát trên Seymour, đồng thời dành thời gian đáng kể để lấy mẫu trầm tích ở 2 khu vực từng phát hiện hóa thạch răng động vật có vú”.

Khi sàng lọc số trầm tích mang về từ các chuyến khảo sát, Thomas Mors và đồng sự đã phát hiện ra hóa thạch của loài ếch nhiệt đới này. Sau đó họ kiểm tra kỹ lưỡng với kính hiển vi điện tử có độ phân giải cao.

Theo Mors, hóa thạch ếch nhiệt đới lấy đầy khoảng trống hiểu biết của chúng ta về động vật lưỡng cư ở khu vực này, sau giai đoạn Nam Cực tách khỏi siêu lục địa Gondwana.

Hóa thạch có niên đại thuộc Thế Eocen, cách đây khoảng 56-34 triệu năm. Đây là giai đoạn Nam Cực trôi dạt ra khỏi Nam Mỹ và Australia. Thay đổi này khiến cho nhiệt độ lục địa lạnh hơn, diện tích băng bao phủ quanh năm ngày càng mở rộng và đưa đến sự tuyệt chủng của các loại sinh vật không thể thích nghi.

Sự tồn tại của động vật lưỡng cư cho thấy đã có một giai đoạn Nam Cực là khu vực đa dạng sinh học. Rừng ôn đới và môi trường sống nước ngọt vẫn tồn tại vào 40 triệu năm trước. Hóa thạch ếch Calyptocephalellidae là bằng chứng cho việc này.

Mors và các đồng nghiệp sẽ quay lại Nam Cực để tìm kiếm hóa thạch, ông hy vọng sẽ tiếp tục mở ra những bí mật được chôn giấu bên dưới lục địa lạnh lẽo này.