Ấn Độ tăng cường bảo tồn hổ trước hiểm họa virus corona

Ấn Độ là nơi sinh sống của hầu hết hổ hoang dã trên thế giới. Trong lúc cả thế giới quay cuồng vì virus corona, cơ quan bảo vệ động vật hoang dã nước này công bố các bước để bảo vệ chúng.

Có điều gì đó không ổn với một cá thể hổ ở khu bảo tồn hổ Pench, Ấn Độ hồi đầu tháng này. Trong nhiều ngày, các nhà quản lý động vật hoang dã quan sát thấy cá thể đực 10 tuổi thường xuyên đến một cái hố nước gần đó, họ đoán rằng có thể nó đang bị sốt cao. Mặc dù nhân viên khu bảo tồn đã điều trị bằng kháng sinh nhưng cá thể hổ không khá hơn và cuối cùng chết bên cạnh hố nước. Một căn bệnh hô hấp bí ẩn bị nghi là nguyên nhân khiến hổ tử vong.

Hổ ở VQG Pench tại Madhya Pradesh, Ấn Độ. (Ảnh: Roger Clark/Alamy)

Hai ngày sau – trước khi các nhà chức trách xác định rằng có khả năng cá thể mèo lớn chết vì một đoạn ruột có một búi lông rất lớn, giới chức Ấn Độ đã đặt khu bảo tồn có 50 cá thể hổ hoang dã ở mức cảnh báo cao độ. Đất nước này là nơi sinh sống của 2.967 cá thể hổ hoang dã, chiếm khoảng 3/4 tổng quần thể không nuôi nhốt của thế giới. Hổ được biết là dễ bị bệnh về đường hô hấp, chẳng hạn như cúm mèo. Nhưng thông báo rằng một cá thể hổ 4 tuổi nuôi nhốt tại vườn thú Bronx ở New York dương tính với virus corona – ca đầu tiên được xác nhận nhiễm virus ở một cá thể mèo lớn – làm Ấn Độ gia tăng mối lo ngại.

“Loại virus corona này có thể rất nguy hiểm. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai nhưng chúng tôi đang thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa. Chúng tôi phải chăm sóc chúng”, TS. Anup Kumar Nayak thuộc Cơ quan Bảo tồn hổ quốc gia – cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ những cá thể mèo lớn của Ấn Độ.

Cơ quan Bảo tồn hổ quốc gia cùng Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi khí hậu Ấn Độ đã khuyên nhân viên bảo vệ động vật hoang dã ở tất cả các bang có hổ hạn chế đi vào các vườn quốc gia, khu bảo tồn và khu dự trữ. Những cá thể hổ cũng phải được theo dõi các triệu chứng hô hấp, chẳng hạn như chảy nước mũi, ho hoặc khó thở. Nhân viên làm công việc di dời hổ xung đột với người hoặc xử lý những cá thể mèo lớn bị bệnh cũng cần phải được xét nghiệm virus trước khi có bất kỳ tương tác nào với chúng.

Vào thời điểm hổ ở Pench chết, Cơ quan Bảo tồn hổ quốc gia Ấn Độ chưa thiết lập phác đồ xét nghiệm virus corona. Tiến thêm một bước, các bác sĩ thú y được yêu cầu tiến hành điều tra sau khi hổ chết để thu thập và gửi mẫu đến các phòng thí nghiệm quốc gia.

Trong vòng hai tuần kể từ khi ban hành hướng dẫn, TS. Nayak cho biết các nhân viên động vật hoang dã không ghi nhận bất kỳ thay đổi hành vi đáng ngờ nào cho thấy các cá thể hổ bị nhiễm bệnh. Nhưng họ vẫn tiếp tục tìm kiếm những cá thể ốm yếu hơn.

Ấn Độ phong tỏa toàn quốc từ ngày 24/3 nhưng nhiều nhân viên động vật hoang dã vẫn tiếp tục làm việc. Tại Khu bảo tồn hổ Kanha ở bang miền trung Madhya Pradesh, hàng trăm kiểm lâm tuần tra khu vực rộng 362 dặm vuông để bảo vệ chừng 90 cá thể hổ nguy cấp sống ở đó.

“Ở Kanha, chúng tôi có bác sĩ thú y và bệnh viện thú y riêng, vì vậy chúng tôi đã chuẩn bị tốt. Virus là nỗi lo ở khắp mọi nơi nhưng chúng tôi rất cảnh giác”, theo Giám đốc hiện trường khu bảo tồn L. Krishnamoorthy.

Qua một loạt các thí nghiệm được thực hiện trong phòng thí nghiệm tại Viện nghiên cứu thú y Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, các nhà nghiên cứu chứng minh rằng virus sinh sản hiệu quả trên mèo nhà và có thể lây truyền giữa các động vật với nhau qua giọt bắn. Kết quả nghiên cứu được đưa lên một trang web vào tháng trước nhưng chưa được đánh giá đồng đẳng.

Giới khoa học chưa chắc chắn cách virus corona ảnh hưởng đến những cá thể mèo lớn trong tự nhiên. Một địa điểm được kiểm soát hoặc sửa đổi, chẳng hạn như phòng thí nghiệm hoặc vườn thú không phải là mô hình chính xác về cách các loài tương tác trong một hệ sinh thái. Chris Walzer, Giám đốc y tế thuộc WCS ở New York cho rằng có thể virus đã lây sang Nadia, con hổ Mã Lai của vườn thú Bronx thông qua việc rửa chuồng bằng vòi phun áp lực cao làm virus bắn theo hơi nước. Tuy nhiên, Nadia chỉ có các triệu chứng nhẹ như ho và chán ăn cũng như sáu cá thể mèo lớn khác ở vườn thú.

Hổ dễ mắc bệnh dại, bệnh than và bệnh sài sốt (còn được gọi là bệnh care ở chó, do một loại virus morbilli có trên các cá thể chó chưa được tiêm phòng, dễ gây tử vong). Hổ cũng có thể trở thành nạn nhân của bệnh viêm phúc mạc do nhiễm trùng – một căn bệnh đường tiêu hóa do một chủng virus corona khác gây ra.

Ấn Độ có thể tỏ ra thận trọng quá mức vì tình trạng mong manh của hổ ở nước này, theo lời một số nhà phê bình. Ullas Karanth, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu động vật hoang dã ở Ấn Độ cho rằng nỗi sợ virus dường như đang bị đánh giá sai. Tình trạng người dân địa phương tăng cường săn bắt bất hợp pháp các loài con mồi của hổ để lấy thịt (do tuyệt vọng trong thời gian phong tỏa) là mối đe dọa lớn hơn đối với hổ hoang dã so với chính căn bệnh này. 7 kẻ săn trộm gần đây đã bị bắt tại Khu bảo tồn hổ Bandipur với tang vật là một con nai đã chết.

“Tình trạng săn bắn kiểu này thực sự tăng đột biến”, TS. Karanth nói.

Các nhà bảo tồn khác cũng cảnh báo người nghèo sống gần và trong các khu bảo tồn sẽ không thể thu thập các nhu yếu phẩm như củi và thực phẩm do lệnh cấm. Trong một lá thư gửi Bộ môi trường, một nhà sinh vật học hoang dã Ravi Chellam và nhiều chuyên gia kêu gọi giới chức không hạn chế hoặc đuổi dân làng khỏi các khu bảo tồn bởi theo họ, “động vật hoang dã ở Ấn Độ đang đối mặt với những mối đe dọa còn lớn hơn Covid-19, ví như sinh cảnh bị phân mảnh, suy thoái và bị hủy hoại; nguy cơ từ biến đổi khí hậu; nạn săn trộm và nhiều bệnh tiềm tàng khác”, TS Chellam kết luận.

Thế Anh (Theo New York Times)

Nguồn: