Ô nhiễm có thể là “tác nhân quan trọng” gây ra cái chết do Covid-19

Theo nghiên cứu, mức độ ô nhiễm không khí cao có thể là một trong những tác nhân quan trọng nhất dẫn tới những cái chết vì Covid-19.

Nitơ dioxide (NO2) là một chất gây ô nhiễm tạo ra chủ yếu từ động cơ xe diesel. Ảnh: Getty Images.

Phân tích các trường hợp tử vong do vi rút Corona tại 66 khu vực hành chính ở Italia, Tây Ban Nha, Pháp và Đức cho thấy, 78% số trường hợp tử vong trong số 4.443 người chết chỉ xảy ra trong năm khu vực và đây là những nơi ô nhiễm nhất.

Năm khu vực này có sự kết hợp nồng độ NO2 cao và ô nhiễm không khí không thể bị tản ra do thời tiết.

Nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Science of the Total Environment thực hiện bởi nhà nghiên cứu Yaron Ogen, tại Đại học Martin Luther Halle- Wittenberg ở Đức.

Nghiên cứu đã kiểm tra mức độ nitơ dioxide (NO2), một chất gây ô nhiễm tạo ra chủ yếu từ động cơ xe diesel, trong không khí. Nhiều nghiên cứu chỉ ra liên kết NO2 với tổn thương sức khỏe và đặc biệt là bệnh phổi.

“Kết quả chỉ ra rằng việc tiếp xúc lâu dài với NO2 có thể là một trong những tác nhân quan trọng nhất gây tử vong do virus Covid-19”, ông Ogen cho biết. “Đầu độc môi trường có nghĩa là đầu độc cơ thể con người, và khi cơ thể bị bệnh hô hấp mãn tính, khả năng tự bảo vệ khỏi nhiễm trùng tất nhiên sẽ hạn chế”.

Phân tích chỉ có thể cho thấy một mối tương quan mạnh mẽ, mà không phải là quan hệ nhân quả. “Bây giờ cần phải kiểm tra xem sự hiện diện của tình trạng viêm ban đầu có liên quan đến phản ứng của hệ thống miễn dịch với virus Corona hay không”, ông Ogen nói.

Ông Ogen lưu ý rằng Thung lũng Po ở Italia và Madrid được bao quanh bởi những ngọn núi, khiến ô nhiễm bị ngăn chặn lại, cũng giống như tỉnh Hồ Bắc ở Trung Quốc, nơi đại dịch bắt đầu. “Tuy nhiên, nghiên cứu của tôi chỉ là một dấu hiệu ban đầu cho thấy có thể có mối tương quan giữa mức độ ô nhiễm không khí, sự di chuyển của không khí và mức độ nghiêm trọng của quá trình bùng phát virus”.

Giáo sư Jonathan Grigg, từ Đại học Queen Mary, London, Anh, cho biết nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa cái chết của Covid-19 và mức độ NO2. “Liên kết này có thể phản ánh mối liên hệ nhân quả giữa tiếp xúc với ô nhiễm không khí và tăng khả năng thiệt mạng do Covid-19 gây ra, nhưng các yếu tố khác không thể loại trừ trong giai đoạn này. Ví dụ, nghiên cứu không điều chỉnh sự khác biệt trong phân bố độ tuổi ở các khu vực khác nhau”.

Phong tỏa rộng rãi trên khắp thế giới đã dẫn đến giảm lưu lượng xe và ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, tiếp xúc lâu dài với không khí bẩn trước đại dịch có thể ảnh hưởng nghiêm trọng hơn mức ô nhiễm hiện tại.

Jenny Bates, một nhà vận động chống việc ô nhiễm không khí thuộc tổ chức Friends of the Earth, cho biết: “Nghiên cứu mới này rất đáng lo ngại. Chúng tôi biết NO2 là một loại khí độc làm viêm niêm mạc phổi và làm giảm khả năng miễn dịch đối với nhiễm trùng phổi, vì vậy có thể không ngạc nhiên khi những người sống ở những khu vực có nồng độ NO2 cao dễ bị nhiễm virus Corona hơn”.

Trước đó, ngày 7/4, một nghiên cứu khác về ô nhiễm hạt mịn ở Mỹ cho thấy chỉ một tỉ lệ nhỏ gia tăng ô nhiễm trong những năm trước khi dịch Covid-19 xảy ra cũng đi kèm với một tỉ lệ tử vong rất lớn do virus gây ra. Một bài báo gần đây lưu ý rằng tỷ lệ tử vong cao được thấy ở phía Bắc Italia tương quan với mức độ ô nhiễm không khí cao nhất.

Mỹ Hân (Theo TheGuardian)