Quý I/2020, xử phạt hơn 1.010,6 tỷ đồng giá trị hàng hóa vi phạm gian lận thương mại

Từ ngày 16/12/2019 đến 15/3/2020, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 3.617 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.010,6 tỷ đồng.

Toàn ngành Hải quan chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 3.617 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan

Theo Tổng cục Hải quan, từ cuối 2019 đến nay, dịch viêm đường hô hấp cấp diễn biến phức tạp và có xu hướng lây lan nhanh trong nước và nước ngoài, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuất nhập khẩu nói chung và các cửa khẩu biên giới nói riêng. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái hàng hóa cũng diễn biến hết sức phức tạp trong những tháng đầu năm nay.

Trước tình hình đó, với vai trò là Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, Ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; chỉ đạo các đơn vị triển khai nghiêm túc, có hiệu quả nhiều biện pháp quan trọng.

Trong đó, Tổng cục Hải quan xác định cần tập trung vào: xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý; nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách chống buôn lậu; đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các địa bàn trọng điểm, mặt hàng nhạy cảm…

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ ngày 16/12/2019 đến 15/3/2020, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 3.617 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.010,6 tỷ đồng; số thu ngân sách nhà nước đạt hơn 66,1 tỷ đồng; cơ quan Hải quan đã ban hành 07 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 25 vụ.

Khẩu trang y tế là mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch, do đó, nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế trong nước cũng như ngoài nước tăng đột biến, đã dẫn đến giá cả đối với mặt hàng này được đẩy lên cao. Đánh giá tình hình buôn lậu mặt hàng này sẽ diễn biến phức tạp, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đã tăng cường công tác phòng chống buôn lậu khẩu trang qua biên giới và đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ việc buôn lậu mặt hàng khẩu trang qua biên giới sát Campuchia và Trung Quốc.

Trong đó, có thể kể đến một số vụ việc điển hình như, ngày 08/3/2020 tại Trạm Kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên – Cục Hải quan tỉnh An Giang phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đã phát hiện 01 đối tượng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đối tượng đã ngụy trang hàng hóa khác để vận chuyển mặt hàng khẩu trang sang Campuchia. Hàng hóa vi phạm là 164.600 chiếc khẩu trang chưa xác định được trị giá.

Hay như ngày 11/03/2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài – Cục Hải quan Tây Ninh qua công tác kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện 02 đối tượng có hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Hàng hóa vi phạm gồm là khẩu trang y tế các loại tổng cộng là 187.950 chiếc khẩu trang y tế Việt Nam, mới 100%, trị giá hàng hóa ước tính 161,455 triệu đồng.

Từ ngày 16/12/2019 đến 15/3/2020, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 3.617 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.010,6 tỷ đồng

Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong quý I/2020, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra rất phức tạp. Tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vào Việt Nam vẫn còn rất nóng, thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi và số lượng ma túy bị bắt giữ lớn tại các tuyến biên giới như các tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Tây Ninh…

Đồng thời, lực lượng Hải quan toàn quốc đã bắt giữ một số vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới qua các tuyến: hàng không, cảng biển, bưu điện, đường mòn, lối mở biên giới đường bộ. Mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm: sản phẩm động vật hoang dã (sừng tê giác), đường cát, thuốc lá, bia, sữa bột, thuốc tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử mới, điện, gỗ, gia cầm, sản phẩm gia cầm…

Ngoài ra, một số Cục hải quan tỉnh, thành phố đã phát hiện một số doanh nghiệp đã có hành vi vi phạm khai báo sai về nhãn mác, xuất xứ, chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.