Thêm 5 ca mắc Covid-19 mới, Việt Nam ghi nhận 153 trường hợp

Chiều tối 26-3, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm 5 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 của Việt Nam lên 153. Trong 5 trường hợp mắc mới, có 2 bệnh nhân này là người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 21-3 đến 23-3, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Ảnh minh họa.

Theo đó, bệnh nhân thứ 149 là bệnh nhân nam, 40 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ Long Biên, Hà Nội. Bệnh nhân là lao động tự do tại Bang Hessen – CHLB Đức. Ngày 23-3, bệnh nhân đến Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN36 của Vietnam Airlines, số ghế 55C (cùng với mẹ, 68 tuổi, ngồi ghế 55A). Lúc nhập cảnh, bệnh nhân không có biểu hiện sốt, không ho, không viêm phổi. Tại khu cách ly Trường Quân sự tỉnh Quảng Ninh, bệnh nhân ở cùng phòng với 2 người khác cũng đi trên chuyến bay này. Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh ngày 25-3 khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-COV-2, 207 hành khách còn lại âm tính. Bệnh nhân cùng mẹ và 2 người ở cùng phòng đã được chuyển đến Bệnh viện số 2 TP Hạ Long để điều trị và theo dõi sức khỏe.

-Bệnh nhân thứ 150 là bệnh nhân nam, quốc tịch Việt Nam, 55 tuổi, trú tại phường Tân Định, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ngày 13-3, bệnh nhân cùng vợ từ Hoa Kỳ về Việt Nam, có cảnh tại Đài Loan (Trung Quốc) trên chuyến bay của Hãng hàng không EVA Air, số hiệu BR395, số ghế 2D, 2K và nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Sau nhập cảnh, bệnh nhân về nhà và từ ngày 14 đến 18-3 bệnh nhân có đi tới nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người. Ngày 14-3 ăn tiệc tại nhà (4 người dự). Ngày 15-3 ăn tại quán bún Gánh (đường Hàn Thuyên). Ngày 16-3, bệnh nhân họp tại Công ty Transimex (24 người) và dự tiệc ở Hoa viên Tri kỷ cùng ngày. Ngày 18-3, bệnh nhân gặp bạn bè tại huyện Nhà Bè và đi khám tại Family Medical (số 34, Lê Duẩn) được tư vấn khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Sau đó, bệnh nhân được chuyển cách ly tại bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ. Ngày 23-3, bệnh nhân có sốt, ho, đau họng và lấy mẫu xét nghiệm.

Hiện bệnh nhân tiếp tục được cách ly, điều trị tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ.

Bệnh nhân thứ 151 là bệnh nhân nữ, quốc tịch Brazil, 45 tuổi, trú tại phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh. Bệnh nhân làm việc tại Công ty TNHH giày Gia Định, có 2 chi nhánh ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai và phường An Phú Đông, quận 12, TP Hồ Chí Minh. Bệnh nhân là đồng nghiệp, tiếp xúc gần với bệnh nhân thứ 124. Hằng ngày bệnh nhân đi làm cùng với bệnh nhân thứ 124 trên xe ô tô (có lái xe riêng), chung lịch trình tới 2 chi nhánh công ty và mua cà phê tại quán Starbucks (quận 2). Ngoài ra, bệnh nhân đi tới một số nơi: Quán ăn (TP Biên Hòa, Đồng Nai) ngày 13-3; siêu thị An Phú ngày 16-3; nhà máy Huệ Phong (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) ngày 19-3. Ngày 23-3, bệnh nhân được xác định là người tiếp xúc gần bệnh nhân thứ 124 và được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung tại Khu C, trường thiếu sinh quân, huyện Củ Chi. Đây cũng là nơi người lái xe đang được cách ly.

Bệnh nhân thứ 152 là bệnh nhân nữ, quốc tịch Việt Nam, 27 tuổi, trú tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Bệnh nhân là chị gái sống cùng nhà với bệnh nhân thứ 127 (nam nhân viên quán Bar Buddha). Bệnh nhân làm việc tại Công ty Formica, tầng 3, tòa nhà 414 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Hàng ngày, bệnh nhân đi làm giờ hành chính và từ ngày 10 đến 14-3 bệnh nhân có tiếp xúc gần với 4 đồng nghiệp. Ngày 19-3, bệnh nhân tiếp xúc với một đối tác tại công ty. Từ ngày 15 đến 18-3, bệnh nhân có đi một số nơi và tiếp xúc một số người như: Ngày 15-3 đến nhà cha mẹ tại quận Tân Bình; ngày 17-3 ăn trưa cùng 2 bạn tại nhà hàng chay Sen (quận 1); ngày 18-3 tiếp xúc gần với một người giao hàng. Ngày 20-3, khi biết tin quán Bar Buddha – nơi em trai làm việc có ca bệnh Covid-19, bệnh nhân nghỉ làm, tự cách ly tại nhà và được trạm y tế phường tiếp cận, theo dõi. Ngày 23-3, bệnh nhân được lấy mẫu, chuyển cách ly tập trung tại bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ. Công ty nơi bệnh nhân làm việc tạm ngưng hoạt động.

-Bệnh nhân thứ 153 là bệnh nhân nữ, quốc tịch Việt Nam, 60 tuổi, trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Tiền sử chưa ghi nhận bệnh lý. Bệnh nhân sang Australia thăm người thân và trở về Việt Nam ngày 21-3 trên chuyến bay của Vietnam Airlines số hiệu VN772, nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Sau nhập cảnh, bệnh nhân được chuyển khu cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ở chung phòng với ca số 143 và 2 người khác. Ngày 23-3 sau khi xác định ca số 143 mắc bệnh Covid-19, bệnh nhân và 2 người bạn chung phòng được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến Củ Chi cách ly, theo dõi và lấy mẫu.

Như vậy tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 153 ca mắc Covidg-19, trong đó có 17 ca đã khỏi bệnh, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Các bệnh nhân còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước.

Hạn chế chuyển tuyến người bệnh lên khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai

Ngày 26-3, Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê đã ký văn bản gửi các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hạn chế chuyển tuyến người bệnh lên khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.

Công văn nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo Bộ Y tế về việc hạn chế công tác khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các Sở Y tế có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện công tác chuyển tuyến người bệnh lên tuyến trên như sau:

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm và động viên bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. (Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Các cơ sở tổ chức khám, chữa bệnh tại chỗ toàn bộ người bệnh theo tuyến đã được phê duyệt và thực hiện các kỹ thuật chuyên môn, hạn chế tối đa chuyển người bệnh lên tuyến trên. Đối với người bệnh vượt quá khả năng điều trị tại tuyến tỉnh, khi chuyển tuyến, ưu tiên chuyển đến các bệnh viện đầu ngành đã được quy định tại Quyết định số 4026/QĐ-BYT ngày 20-10-2010 quy định phân công công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.

Trường hợp đặc biệt, người bệnh bắt buộc phải chuyển tuyến đến điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, yêu cầu cán bộ y tế, người bệnh, người nhà người bệnh tuân thủ các quy định phòng hộ cá nhân, tránh lây nhiễm trong bệnh viện.

Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn phòng, chống lây nhiễm cho nhân viên y tế

Ngày 26-3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; y tế các bộ, ngành; các bệnh viện trực thuộc trường đại học yêu cầu nghiêm túc và quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống lây nhiễm cho nhân viên y tế và tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn.

Công văn nêu rõ, trong quá trình điều trị cho người bệnh Covid-19, hệ thống các bệnh viện đã có nhân viên y tế đầu tiên bị lây nhiễm virus gây bệnh Covid-19. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đề nghị các Sở Y tế, bệnh viện, cơ sở y tế và người hành nghề khám, chữa bệnh nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống lây nhiễm cho nhân viên y tế và tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn.

Theo đó, các cơ sở cần dự trù và cung cấp đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế theo hướng của Bộ trưởng Bộ Y tế. Trong trường hợp thiếu, không mua được phương tiện phòng hộ, cơ sở y tế cần báo cáo ngay với cơ quan quản lý trực tiếp và Ban Chỉ đạo các cấp để tìm giải pháp khắc phục. Các kỹ thuật điều trị, chăm sóc người bệnh có tạo ra các hạt khí dung như gây mê, đặt nội khí quản… có nguy cơ lây nhiễm cao. Người hành nghề cần tuyệt đổi tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn (tham khảo trong phụ lục đính kèm); chỉ thực hiện khi đã trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ chuyên dùng; tập huấn cho người thực hiện đầy đủ, kỹ lưỡng.

Các cơ sở chú ý bố trí khu vực sinh hoạt của nhân viên y tế cách xa khu vực cách ly và điều trị người bệnh (căn cứ trên điều kiện thực tế của đơn vị). Nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện có điều trị Covid-19 nói chung và các khu cách ly nói riêng cần hạn chế tối đa đến các khu vực đông người và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Bộ Y tế khuyến khích sản xuất, nhập khẩu sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán Covid-19

Bộ Y tế vừa ban hành văn bản gửi các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro chẩn đoán virus SARS-CoV-2.

Văn bản nêu rõ trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 ngày càng cao hiện nay, Bộ Y tế khuyến khích, ủng hộ các đơn vị nghiên cứu sản xuất và tìm kiếm để nhập khẩu, tài trợ, viện trợ các trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro chẩn đoán SARS-CoV-2, như hóa chất sử dụng cùng máy PCR, que thử/khay thử nhanh… (test kit chẩn đoán SARS-CoV-2) có chất lượng đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu xét nghiệm của các cơ sở y tế.

Việc thực hiện cấp giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành sản xuất trong nước cho các test kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2 được Bộ Y tế thực hiện nhanh, sớm đưa sản phẩm ra phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Đối với các test kit nhập khẩu để tài trợ, viện trợ: Thành phần hồ sơ nhập khẩu quy định tại Điều 42 của Nghị định 169/2018/NĐ- CP ngày 31-12-2018 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 36/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế. Thủ tục nhập khẩu được thực hiện bằng bản giấy tại Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế).

Với test kit sản xuất trong nước: Thành phần hồ sơ quy định tại Điều 26 của Nghị định 169/2018/NĐ-CP. Thủ tục được thực hiện bằng bản giấy tại Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế).

Với test kit nhập khẩu để thương mại: Đối với các test kit sử dụng cùng với thiết bị y tế: thực hiện theo quy định tại Thông tư 30/2015/TT-BYT ngày 12-10-2015 của Bộ Y tế về việc nhập khẩu trang thiết bị y tế, thủ tục nhập khẩu sẽ được thực hiện trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia.

Đối với các test kit sử dụng độc lập: Thành phần hồ sơ nhập khẩu quy định tại Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29-12-2010 của Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc phần sinh phẩm chẩn đoán in vitro. Thủ tục nhập khẩu được thực hiện bằng bản giấy tại Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế).

Hiện nay, qua rà soát các hồ sơ đề nghị xin giấy phép nhập khẩu, đăng ký lưu hành test kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2, Bộ Y tế nhận thấy phần lớn các test kit chẩn đoán SARS-CoV-2 được nước sản xuất cấp phép để sử dụng trong khẩn cấp, chưa được lưu hành tại nước sản xuất nên giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) chưa đáp ứng quy định của Điều 10 của Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Ngoại thương (CFS thể hiện sản phẩm được sản xuất và lưu hành tại nước sản xuất hoặc nước cấp CFS) và các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.

Để đảm bảo có thế có sản phẩm có chất lượng kịp thời đáp ứng nhu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 hiện nay, Bộ Y tế đề nghị trường hợp các sản phẩm CFS thể hiện sản phẩm được lưu hành tại nước sản xuất hoặc nước cấp CFS, công ty được phép nhập khẩu một số lượng mẫu để đánh giá thử nghiệm tại đơn vị kiểm định chất lượng do Bộ Y tế chỉ định. Trên cơ sở kết quả đánh giá của đơn vị kiểm định chất lượng, hồ sơ đề nghị nhập khẩu của đơn vị, Bộ Y tế sẽ cấp nhanh giấy phép nhập khẩu để đơn vị nhập khẩu.

Trường hợp giấy tờ pháp lý trong hồ sơ nhập khẩu chưa hợp pháp hóa lãnh sự: Đề nghị đơn vị có công văn chịu trách nhiệm về tính xác thực, cam kết thời gian cung cấp bản hợp pháp hóa lãnh sự; đồng thời phải cung cấp đường link tra cứu giấy phép hoặc liên hệ của cơ quan cấp phép để Bộ Y tế kiểm tra tính xác thực của các giấy tờ chưa được hợp pháp hóa lãnh sự. Tất cả các test kit trên đều được đơn vị kiểm định chất lượng của Bộ Y tế kiểm tra trước khi đưa ra sử dụng sàng lọc, khẳng định…

Đối với các test kit sản xuất trong nước, đề nghị các đơn vị khẩn trương liên hệ với đơn vị kiểm định chất lượng do Bộ Y tế chỉ định để đánh giá sản phẩm trên lâm sàng theo đúng quy định của Nghị định 36/2016/NĐ-CP song song với quá trình hoàn thiện và nộp hồ sơ theo quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, xin liên hệ Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế), để được xem xét, hướng dẫn giải quyết.

Bộ Y tế yêu cầu cung cấp danh sách tất cả người đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10-3

Chiều 26-3, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế có công văn hỏa tốc gửi đến Bệnh viện Bạch Mai để chỉ đạo một số biện pháp khẩn cấp, liên quan đến 3 ca mắc Covid-19 đã ghi nhận tại bệnh viện này (gồm 2 nữ điều dưỡng và 1 bệnh nhân điều trị tại khoa Thần kinh).

Theo đó, tại Công văn số 310/KCBQLCL&CĐT nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 về việc điều tra dịch tễ phòng, chống dịch Covid-19, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Bệnh viện Bạch Mai phối hợp lập danh sách người bệnh khám, chữa bệnh tại bệnh viện từ ngày 10-3 đến nay.

Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai cung cấp danh sách toàn bộ bệnh nhân đã khám từ ngày 10-3.

Bộ Y tế yêu cầu, căn cứ theo địa chỉ người bệnh, Bệnh viện Bạch Mai phải có văn bản thông báo và gửi danh sách người bệnh về Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Cùng với Công văn số 310 kể trên, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng có công văn hỏa tốc số 34 /KCB –QLHN gửi tới Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo về việc thống kê danh sách nhân viên Bệnh viện Bạch Mai tham gia khám chữa bệnh tại các tỉnh, thành phố.

Theo đó, từ việc xác định 2 nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai nhiễm virus SARS-CoV-2, để kiểm soát nguồn lây, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế các tỉnh thành khẩn trương rà soát và lập danh sách toàn bộ nhân viên làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa trên trên địa bàn quản lý từ ngày 10-3 đến ngày 26-3.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương báo cáo đầy đủ thông tin về những nhân viên củaviện Bạch Mai tham gia khám bệnh tại địa phương và báo cáo về Bộ ngày 28-3.

* Chiều 26-3, Bộ Y tế cho biết đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 phiên bản lần thứ 3

Theo đại diện của Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm, điểm mới của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 phiên bản lần thứ 3 ban hành theo Quyết định số 1344/QĐ-BYT ngày 25-3-2020 gồm có:

1.Thay đổi định nghĩa ca bệnh nghi ngờ, vì tình hình dịch tễ đã thay đổi, có nhiều vùng dịch, ổ dịch tại các địa phương ở Việt Nam

2. Bỏ các định nghĩa ca bệnh có thể, vì năng lực xét nghiệm cao hơn trước

3. Về điều trị: Tập trung chính là điều trị suy hô hấp, cập nhật những khuyến cáo mới nhất theo hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới về ô-xy liệu pháp và đích ô-xy máu

4. Theo dõi sát bệnh nhân, đặc biệt ngày thứ 7-10 của bệnh, sử dụng các dấu hiệu lâm sàng, các thang điểm cảnh báo sớm, theo dõi tiến triển hàng ngày của XQ phổi để phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng/ tiến triển nặng của bệnh. Vì theo các báo cáo trên y văn cũng như thực tế các ca bệnh nặng ở Việt Nam trong thời gian qua, đa số đều diễn biến nặng nhanh trong khoảng thời gian này.

5. Với bệnh nhân suy hô hấp nặng, nên đặt ống nội khí quản sớm và thở máy xâm nhập. Chỉ cân nhắc các biện pháp hỗ trợ hô hấp không xâm nhập cho từng trường hợp cụ thể chứ không áp dụng thường quy và cần theo dõi sát bệnh nhân

6. Về các thuốc kháng virus đặc hiệu (như Lopinavir/ritonavir, Chloroquine, Hydroxychloroquine, Remdesivir..). Do chưa có đủ các bằng chứng về hiệu quả và an toàn của những thuốc này trong điều trị Covid-19, nên chưa khuyến cáo áp dụng thường quy trong điều trị, (bên ngoài phạm vi sử dụng trong các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam).

Bộ Y tế sẽ ra các khuyến cáo bổ sung dựa trên những kết quả của các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam.

7. Tiêu chuẩn ra viện: cải thiện các dấu hiệu lâm sàng, cần có hai mẫu liên tiếp bệnh phẩm đường hô hấp (cả dịch tỵ hầu và dịch họng), lấy cách nhau >= 24 giờ âm tính với virus SARS-CoV-2

8. Sau khi ra viện, người bệnh tiếp tục được cách ly tại nhà 14 ngày nữa. Người bệnh cần được ở phòng riêng thoáng khí, đeo khẩu trang, ăn riêng, vệ sinh tay, hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình và không được ra ngoài. Theo dõi sát thân nhiệt 2 lần/ngày, khám lại ngay nếu sốt hoặc có dấu hiệu bất thường khác.

Ngoài ra cập nhật tên bệnh và tên virus: Hướng dẫn trước không phải virus gọi là SARS-CoV-2 và bệnh là Covid-19 mà gọi chung là nCoV.

Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ không tụ tập đông người.

2. Nếu có việc thực sự cần thiết phải ra đường, giữ khoảng cách 2m với người khác và luôn mang khẩu trang. Không nên đeo khẩu trang để đối phó, hãy đeo khẩu trang kín cả mũi và miệng để bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.

3. Chăm tập thể dục, ăn uống đủ chất, rửa tay thường xuyên và để nơi ở sạch sẽ, thoáng khí. Chăm sóc mình tốt để tăng sức đề kháng bản thân là góp phần chống dịch.

4. Sử dụng ứng dụng (app) NCOVI của VNPT để khai báo y tế và theo dõi sức khỏe.

 

Thái Sơn (tổng hợp)