Phải chặt đứt cầu nối giữa động vật hoang dã với con người

Theo các chuyên gia, bản thân động vật hoang dã không có lỗi nên để bảo vệ chúng và sức khỏe con người điều phải làm là chặt đứt cầu nối nhu cầu.

Năm 2020, thế giới đang trải qua những tháng ngày khủng khiếp với dịch bệnh Covid-19 hoành hành khắp nơi. Trong khi các chuyên gia y tế căng mình trong cuộc chiến cứu chữa bệnh nhân thì các nhà khoa học cũng dồn sức vào nghiên cứu về loài virus corona chủng mới gây ra dịch bệnh này.

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định chắc chắn được nguồn gốc của virus corona chủng mới và chỉ chứng minh được khi phân lập virus sống trong một loài bị nghi ngờ.

Những giả thiết ban đầu cho rằng Covid-19 bắt đầu từ loài dơi nhưng tại sao virus mới lại lây lan cho cả thế giới loài người từ một loài động vật vốn dĩ không gần gũi với con người?

Trong cuộc phỏng vấn với Nông nghiệp Việt Nam để giải đáp câu hỏi này, Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Điều phối viên Liên minh Y tế NCDs Việt Nam cho rằng: “Bản thân con vật không có lỗi, chúng vẫn sống bình thường cho đến khi con người biến chúng thành đồ ăn và điều chúng ta cần làm là phải chặt đứt được cầu nối nhu cầu tiêu thụ, vừa bảo vệ được các loài động vật hoang dã vừa tránh được nguy cơ bệnh dịch tiềm ẩn”.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An, điều phối viên Liên minh Y tế NCDs Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Động vật hoang dã không có tội

Dưới góc độ là chuyên gia y tế, ông đánh giá thế nào về thông tin nhiều khả năng Covid-19 xuất phát từ loài dơi?

Sau khi thăm Trung Quốc, đại diện WHO kết luận ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nguồn gốc của virus corona gây ra dịch Covid-19 hiện nay xuất phát từ một loài dơi ở khu chợ hải sản thuộc thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Từ đó, tôi đã nghiên cứu tài liệu và gần đây có trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chúng tôi nhất trí rằng có nhiều nghiên cứu cho rằng nguồn gốc của Covid-19 đến từ động vật hoang dã và cụ thể là loài dơi Rhinolophus ở Vũ Hán.

Ngoài ra, ông Peter Daszak, Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận EcoHealth Alliance ở Mỹ cho biết, từ cách đây 15 năm các nhà khoa học đã phát hiện trong hang động ở miền nam Trung Quốc những con dơi mang theo các loại virus gần như giống với virus corona chủng mới và các virus gây ra dịch SARS, MERS.

Theo ông Daszak, một trong 500 chủng virus corona được phát hiện lúc bấy giờ tương tự với virus corona chủng mới tới 96%.

Điều này càng củng cố giả thiết nguồn gốc của Covid-19 xuất phát từ động vật hoang dã, cụ thể là dơi Rhinolophus. Tuy nhiên, để khẳng định 100%, các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm để tìm kiếm nguồn gốc, vật chủ, vật trung gian lây truyền căn bệnh nguy hiểm này.

Với tình hình Covid-19 hiện nay, trên ba trăm ngàn người nhiễm và hàng ngàn người chết, vấn đề về động vật hoang dã và sức khỏe đang trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết.

Vậy ngoài Covid-19, động vật hoang dã còn có nguy cơ gây ra những mối đe dọa nào đến sức khỏe con người hay không, thưa ông?

Ở Việt Nam, câu chuyện này đã có từ lâu, hàng chục năm trước, người dân ở Tây Nguyên và Tây Nam Bộ thường kể chuyện ăn thịt con trăn có 9 lỗ mũi hay còn gọi là con nưa thì sẽ bị chết, mà chết đến 3-4 người.

Trước kia, dân gian thường cho rằng đó là do ma rừng bắt nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, khoa học chứng minh được rằng trong loài vật này có xoắn khuẩn và một số chất độc có thể gây chết người. Từ đó, đưa ra rất nhiều cảnh báo phải phân biệt được con nưa và con trăn để không mất mạng oan.

Ngoài ra, các tin đồn như ăn mật bò tót và nhiều sản phẩm động vật hoang dã khác sẽ đem lại sức khỏe nhưng thực ra cực kỳ nguy hiểm vì vốn dĩ tiềm tàng nhiều loại virus gây bệnh.

Giờ đây, dưới ánh sáng khoa học toàn cầu, với những tổ chức uy tín như CDC Mỹ hay EcoHealth Alliance, chúng ta có thể hiểu rằng động vật hoang dã luôn tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe con người.

Nếu chúng ta không hành động ngay lập tức thì biết đâu sắp tới sẽ có thêm những dịch bệnh mới, vì chỉ trong loài dơi Rhinolophus đã có đến 500 loài virus rồi.

Như ông đã nói, vậy chúng ta phải hành động như thế nào trong thời điểm này?

Tôi mong muốn các nhà khoa học toàn cầu, cũng như ở Việt Nam, đặc biệt là những nhà hoạch định cần có những chính sách cắt đứt cầu nối liên kết giữa động vật hoang dã và con người.

Trong loạt bài về động vật hoang dã gần đây trên báo Nông nghiệp Việt Nam, có thể thấy con người đang săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã với niềm tin rằng chúng đem lại sức khỏe. Do đó, chúng ta đừng đổ lỗi cho động vật vì dù chúng có mang virus nhưng để lây lan, gây ra các dịch bệnh là do con người tiêu thụ, ăn thịt chúng.

Theo tôi, Chính phủ cần cương quyết, có những văn bản pháp luật để cắt đứt được dây chuyền giữa động vật hoang dã với con người. Từ đó, giúp động vật hoang dã được bình yên sinh sống, bình đẳng với các loài vật khác và đảm bảo sức khỏe cho con người.

Điều cần lưu ý là các văn bản pháp luật của chúng ta cần hài hòa với các văn bản quốc tế mà chúng ta đã ký kết về bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn di sản thiên nhiên và hài hòa với luật pháp của Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh các chính sách, pháp luật, chúng ta có thể làm gì thêm thúc đẩy việc bảo vệ động vật hoang dã và sức khỏe con người, thưa ông?

Rõ ràng, ngoài các chính sách, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục toàn dân, đặc biệt những người lãnh đạo, giàu có phải làm gương.

Bên cạnh các chế tài mạnh mẽ với người mua bán, sử dụng, cần phải có biện pháp giúp đỡ những người nghèo, kiếm sống bằng nghề săn bắt động vật hoang dã để họ có thể từ bỏ công việc này.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần tăng cường điều kiện, trang thiết bị để thực hiện được công tác bảo vệ động vật hoang dã. Ví dụ như lập đường dây nóng để người dân có thể báo cáo việc săn bắt, tiêu thụ ngay lập tức hoặc trang bị cho lực lượng kiểm lâm để đủ thiết bị ngăn chặn được các đối tượng săn bắt trong rừng.

Luật sư Đặng Đình Bách, điều phối viên Nhóm Hành động vì Công lý, Môi trường và Sức khỏe. Ảnh: Tùng Đinh.

Pháp luật cần nghiêm minh hơn

Để làm rõ hơn các chính sách nhằm tăng cường khả năng bảo vệ động vật hoang dã, luật sư Đặng Đình Bách, điều phối viên Nhóm Hành động vì Công lý, Môi trường và Sức khỏe đã có những trao đổi với báo Nông nghiệp Việt Nam.

Thưa luật sư, động vật hoang dã đang được cho là mang nguy cơ truyền bệnh cho con người, vậy quan điểm của ông về hệ thống pháp lý của Việt Nam với vấn đề bảo vệ động vật hoang dã hiện nay như thế nào?

Với kinh nghiệm nghiên cứu pháp luật của mình, tôi cho rằng các tầng luật của Việt Nam hiện nay về động vật hoang dã đã tương đối đảm bảo, từ các công ước quốc tế mà chúng ta tham gia và những quy định cụ thể của pháp luật trong nước.

Mặc dù chúng ta chưa có luật riêng về bảo vệ động vật hoang dã tuy nhiên các điều khoản ở các luật liên quan cũng tương đối tốt. Hiện nay, Việt Nam có cả những quy định để bảo vệ động vật hoang dã và các hướng xử lý với các đối tượng vi phạm, tuy nhiên tôi muốn nói về tính nghiêm minh.

Trong điều kiện hiện nay, trong xu hướng bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu, chúng ta cần có những cân nhắc phù hợp nhằm tăng cường hiệu quả của thực thi luật.

Ông có kiến nghị gì để tăng cường hiệu quả thực thi luật?

Đầu tháng 3 vừa qua, Thủ tướng đã có công văn chỉ đạo Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan khẩn trương soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã, trình trước ngày 1/4.

Tôi đánh giá rất cao động thái này của Chính phủ và Thủ tướng, đây là hành động kịp thời trong bối cảnh động vật hoang dã có thể là nguyên nhân chính dẫn đến dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Tuy nhiên, chỉ thị này theo tôi là một văn bản chỉ đạo điều hành mang tính chất tình thế. Do đó, tôi kiến nghị rằng chúng ta phải mở rộng ra, xem xét trách nhiệm của từng cơ quan liên quan xem đã thực hiện tốt hay chưa.

Việc săn bắt, mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã vẫn diễn ra tràn lan như hiện nay, vậy cơ quan nào, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về điều này?

Bên cạnh đó, chúng ta cần sơ đồ hóa được dòng tiền, lợi nhuận từ việc săn bắt, mua bán động vật hoang dã được phân chia cho những ai, đi đến đâu, từ đó mới có chế tài phù hợp.

Đó là đầu vào, vậy với đầu ra thì chúng ta cần xử lý thế nào, thưa ông?

Chúng ta có thể thấy, người tiêu thụ động vật hoang dã rõ ràng không phải người dân bình thường mà phải là người có điều kiện, có tiền hoặc một phần nào đó có quyền.

Do đó, ở một góc độ khác, từ chỉ thị sắp tới của Thủ tướng, các cơ quan phải đưa ra được các tiêu chuẩn, quy chuẩn để cán bộ không trở thành đầu ra cho hành động buôn bán động vật hoang dã.

Bên cạnh sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ và Thủ tướng, theo tôi Quốc hội cần có những nghị quyết rõ ràng, các ban của Đảng cũng có chỉ thị đến các Đảng viên để tăng cường khả năng bảo vệ động vật hoang dã trong tương lai.