Núi tiền từ rác nhựa

Các doanh nghiệp đang đưa ra nhiều giải pháp mới để khai thác nguồn rác thải nhựa chưa được tái chế trị giá 100 tỉ USD…

Ảnh: waste-management-world.com

Ở vai trò là Chủ tịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Dow Chemical Co., một trong những nhà sản xuất nhựa và hóa chất lớn nhất thế giới, Jon Penrice có 100 tỉ lý do để phải tái chế. “Khoảng 8 triệu tấn nhựa đang thải ra biển mỗi năm. Nếu nhìn vào bao bì nhựa, có tới 95% không được tái chế mỗi năm, với giá trị lên tới 100 tỉ USD và đây là nguồn lực rất giá trị cho các doanh nghiệp”, ông nói.

Trung tâm của nỗ lực tái chế này chính là châu Á – khu vực tiêu thụ gần phân nửa số bao bì nhựa của thế giới, theo BloombergNEF và nhập khẩu lượng rác thải còn lớn hơn thế từ Mỹ và châu Âu. Dù đã có nhiều giải pháp tái chế nhựa ra đời nhưng theo nhiều chuyên gia, các nỗ lực này cần phải tăng tốc hơn nữa mới có thể đáp ứng nhu cầu về nhựa tái chế, vốn được dự báo sẽ tăng nhanh hơn cả nguồn cung.

Một thách thức lớn là sản xuất nhựa tái chế với mức giá cạnh tranh. Nhựa nguyên thủy được trích xuất từ dầu thô và vì thế, giá cũng biến động theo giá dầu thế giới. Trong khi đó, chi phí sản xuất nhựa tái chế lại ổn định hơn, nên giá nhựa tái chế tương đối đắt hơn khi giá dầu thô giảm.

Mặt khác, rác thải nhựa xưa nay được tái sử dụng bằng cách thu gom và phân loại, sau đó làm tan chảy chúng, một quy trình được biết với tên gọi là tái chế cơ học. Nhưng bởi vì rất nhiều rác thải bị dính thực phẩm hoặc hóa chất, nên chi phí tái chế chúng thành vật liệu chất lượng cao trở nên đắt đỏ. Tính phức tạp trong việc phân loại các loại nhựa khác nhau cũng là một thách thức không nhỏ, theo Penrice, cũng như việc phải xử lý rác thải tại nguồn hơn là tạo ra lượng lớn carbon bằng cách đưa lượng rác này đi hết nửa vòng trái đất.

Mức thất thoát ước tính lên tới 80-120 tỉ USD vì một lượng bao bì rất lớn được thải vào môi trường, theo Navneet Chadha, Giám đốc Vận hành Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thuộc World Bank. “Chúng ta phải nghĩ đến việc sử dụng nhựa đã qua sử dụng như một nguồn lực thay vì một loại rác thải”, ông nói. Nhưng ông cũng nhấn mạnh cần phải phát triển các tiêu chuẩn về sản phẩm tái chế.

“Thách thức lớn nhất là chất lượng của nhựa tái chế. Các công ty hàng tiêu dùng lớn như Danone, Pepsi hay Coca Cola sẽ không mua nhựa tái chế trừ phi thuyết phục được họ rằng chất lượng nhựa tái chế chẳng kém gì nhựa nguyên thủy”, Jean-Marc Boursier, Giám đốc Vận hành SUEZ Group, một công ty tái chế lớn trên thế giới. SUEZ có 9 nhà máy trên toàn cầu có thể tái chế tổng cộng 500.000 tấn rác thải nhựa thành 150.000 tấn polymer, được sử dụng để sản xuất chai đựng xà phòng, nội thất ô tô và các sản phẩm khác. Công ty sắp mở nhà máy tái chế nhựa đầu tiên ở châu Á trong năm nay, đặt tại Thái Lan.

Những thách thức trên đã thúc giục các nhà nghiên cứu tại các trường đại học, tổ chức và doanh nghiệp không ngừng khai phá những giải pháp mới để tái chế nhựa. Một nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã phát triển công nghệ biến rác thải nhựa có giá trị thấp thành aerogel, một vật liệu siêu nhẹ và xốp, được sử dụng ở mọi thứ từ tã giấy cho đến việc làm sạch dầu tràn trên biển.

Nhờ công nghệ này, khoảng 8 chai bằng nhựa trung bình sản xuất ra 1 tấm aerogel có diện tích 1m2, theo ông Dương Minh Hải, Phó Giáo sư tại NUS. Các nhà nghiên cứu đã bán quyền sản xuất thương mại cho các công ty như Bronxculture tại Singapore và DPN Aerogel tại Việt Nam, ông cho biết. “Người ta cứ quăng nhựa đi khi thấy không còn giá trị. Miễn là chúng ta làm cho rác nhựa có giá trị, mọi người sẽ giữ lại và bán chúng”, ông nói.

Việc dùng rác nhựa để làm đường cũng thu hút nhiều sự quan tâm, nhất là khi có thể sử dụng tất cả các loại nhựa, ngay cả loại bao bì nhiều lớp rất khó tái chế hay loại bao bì dẻo được dùng để bọc chocolate. Dow Chemical và Reliance Industries (Ấn Độ) đã phát triển công nghệ chuyển đổi rác nhựa thành chất keo, thay thế một phần cho nhựa đường.

Reliance đã làm 40km đường tại các nhà máy lọc dầu của mình, sử dụng loại nhựa không thể tái chế và đang thương thảo với Cục Quản lý Đường cao tốc Ấn Độ và các đơn vị làm đường khác để sử dụng rộng rãi công nghệ này, theo Vipul Shah, Giám đốc Vận hành bộ phận hóa dầu của Reliance Industries.

Tại Philippines, San Miguel đã làm con đường đầu tiên bằng cách trộn phế liệu nhựa với nhựa đường vào năm ngoái, sử dụng vật liệu bề mặt được phát triển với Dow. Dow cũng đã hỗ trợ làm đường từ rác nhựa tại Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Mỹ, theo Jon Penrice thuộc Dow. “Xấp xỉ 100 tấn rác thải nhựa có thể được tái chế để làm 40km đường”, ông nói.

Trong ngành dệt may, công nghệ phân hủy chai nhựa để sản xuất polyester làm quần áo đang được quan tâm tại châu Á. Reliance đã cho lắp đặt các máy bán hàng tự động đảo ngược. Thiết bị này chấp nhận chai nhựa đã qua sử dụng, đổi lấy phiếu giảm giá mua hàng tại các cửa hàng của Công ty. Reliance có thể tái chế 2 tỉ chai nhựa mỗi năm, tương đương 33.000 tấn và công suất sẽ tăng gấp đôi trong 18 tháng tới, theo Vipul Shah.

Một số doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ cũng đang nghiên cứu sử dụng rác nhựa để sản xuất gạch và các vật liệu xây dựng khác. Global Ecobrick Alliance đang đẩy mạnh việc sử dụng gạch sinh thái, loại gạch được nén chặt từ rác nhựa và các vật liệu tái chế khác. Qube, một startup tại Ấn Độ, đã phát triển loại gạch được sản xuất hoàn toàn bằng rác nhựa. Theo Công ty, sản phẩm này có tên PlastiQube, có giá rẻ hơn và sử dụng ít năng lượng hơn trong quá trình sản xuất.

Ngoài ra, quy trình nhiệt phân có thể chuyển hóa rác thải nhựa thành loại nhiên liệu như naphtha, một hỗn hợp hydrocarbon lỏng, dễ cháy. Quy trình này có thể tái chế những loại nhựa bẩn, nhiễm khuẩn mà không thể xử lý bằng phương pháp tái chế cơ học.

Theo BloombergNEF, quy trình nhiệt phân sẽ cung cấp khoảng 17% trong số 19 triệu tấn công suất tái chế nhựa cần vào năm 2030 tại các nền kinh tế lớn. Dow Chemical sẽ sử dụng dầu được sản xuất từ quy trình nhiệt phân của công ty Hà Lan Fuenix Ecogy Group, trong khi Royal Dutch Shell và Total SA đã hợp tác với các startup để tăng cường sử dụng công nghệ này. “Tái chế cơ học sẽ tiếp tục rẻ hơn nhưng đối với các loại nhựa ô nhiễm hoặc có tính phức tạp thì tái chế hóa học sẽ là tương lai của ngành tái chế”, Boursier thuộc SUEZ nhận định.

Nguồn Bloomberg