Dịch tai xanh, “phanh” không kịp….

Sau nửa tháng xuất hiện tại Hà Tĩnh, dịch tai xanh trên đàn lợn đã lây lan ra trên 10 phường, xã của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh, làm 3.040 con lợn bị mắc, trong đó có 545 con đã chết. Dự báo, trong thời gian tới, dịch còn diễn biến hết sức phức tạp.

Cán bộ thú y không biết bệnh gì…

Gia đình bà Nguyễn Thị Chưởng ở thôn Quang Châu, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) nuôi hơn hai chục con lợn. Sáng ngày 15/03, bà Chưởng ra thăm chuồng và phát hiện thấy đàn lợn có những triệu chứng lạ như da bị đỏ, đi ỉa và bỏ ăn. Sợ quá, bà liền kêu thương lái đến bán đi 9 con. Số còn lại gồm 1 lợn nái và 8 lợn con, bà tức tốc đi kêu cán bộ thú y xã về chữa nhưng cũng chỉ được vài ngày thì chết hết. Cùng thời gian đó, những đàn lợn xung quanh cũng xuất hiện hiện tượng đỏ da, đi ỉa, bỏ ăn, người nóng và chết rất nhanh.

Theo người dân xã Cẩm Bình, đã hơn nửa tháng nay, hầu hết đàn lợn trên địa bàn đều xuất hiện bệnh…lạ. Ban đầu lợn biếng ăn, có dấu hiệu xuống sức và da tấy đỏ. Sau khi tiêm kháng sinh, lợn có dấu hiệu phục hồi nhưng chỉ kéo dài ít ngày rồi chết. Đặc biệt, dịch bệnh lây lan với tốc độ chóng mặt, và cho đến nay, hầu hết các thôn đã xuất hiện bệnh này.

Hiện tổng đàn lợn trong toàn xã Cẩm Bình có khoảng 10.000 con thì đến 50% được các hộ dân bán tống, bán tháo cho các thương lái đến từ các huyện lân cận, thậm chí có xe tận miền Bắc vào mua rồi chở đi. Ông Trần Viết Hoà – xóm Bắc Tiến cho biết: “Gia đình tôi vừa bán 15 con lợn. Dù đã tiêm hết mấy triệu tiền thuốc nhưng chẳng ăn thua gì, bán đi còn vớt vát được đôi đồng chứ chết thì mất hết”!

Điều ngạc nhiên là, mặc dù căn bệnh này với những triệu chứng đặc trưng đã được nói đến nhiều, nhưng cán bộ thú y địa phương cũng không biết gì. Thậm chí một cán bộ thú y còn khẳng định đã làm hết chức phận và điều trị đúng theo phác đồ các loại bệnh… thông thường. Khi nhắc đến bệnh tai xanh, vị này cho rằng trước nay chưa từng gặp nên không biết, vả lại cũng chưa bao giờ được tập huấn?

Cơ quan chức năng thờ ơ, bỏ mặc

Khi thấy đàn lợn bị chết hàng loạt, những người chăn nuôi đã cố bán tống bán tháo, mong vớt vát lại chút vốn. Vì vậy dịch nhanh chóng lây lan với tốc độ khủng khiếp. Chỉ một thời gian ngắn, dịch tai xanh đã tấn công hàng ngàn con lợn trên một vùng rộng lớn.

Người tiếp tay cho dịch lây lan trên diện rộng không ai khác chính là lãnh đạo các xã và cán bộ thú y. Bởi tất cả đều nắm rõ diễn biến của dịch bệnh. Lẽ ra, ngay từ đầu, khi phát hiện lợn bị bệnh, địa phương nghiêm túc triển khai các biện pháp bao vây, khống chế dập dịch thì hậu quả không đến nỗi như vậy. Đằng này, họ bàng quang thậm chí làm ngơ để mặc người chăn nuôi muốn làm gì thì làm.

Ông Nguyễn Đình Lý – cán bộ thú y xã Cẩm Bình cho hay: “Bước đầu cán bộ thú y và người chăn nuôi không biết lợn bị bệnh gì, vì bệnh tai xanh chưa bao giờ xuất hiện tại địa phương. Khi các hộ chăn nuôi thông báo thì chúng tôi vẫn cho điều trị bình thường như trước đây. Chỉ đến lúc bệnh bùng phát trên diện rộng, chúng tôi mới nhận thấy mức độ nguy hiểm”.

Thế nhưng, cũng phải mất tới 3 ngày sau khi nhận được báo cáo của địa phương, Trạm Thú y huyện mới cử cán bộ xuống hiện trường thì mọi việc đã quá chậm, dịch đã lan ra khắp vùng.