Nhật Bản tài trợ 49 triệu yên xử lý môi trường đảo Cát Bà

JICA tài trợ không hoàn lại 49 triệu yên Nhật cho Hải Phòng để thực hiện dự án hợp tác và hỗ trợ áp dụng mô hình hồ Biwa để tăng cường quản lý vùng biển quần đảo Cát Bà và vùng xung quanh.

Dự án được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) ủy thác cho tỉnh Shiga tài trợ thông qua Công ty Kanso thực hiện.

Theo đó, dự án được thực hiện trong 2 năm (2/2020 – 2/2022) tại vùng biển thuộc quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng). Tổng giá trị của dự án là 50,47 triệu yên Nhật. Trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại là 49 triệu yên, còn lại 314 là vốn đối ứng từ ngân sách sự nghiệp môi trường của TP Hải Phòng.

Các hạng mục chính của dự án là xây dựng các cơ chế liên quan đến xử lý nước thải trên đảo Cát Bà, vận hành hiệu quả hệ thống xử lý nước thải, quan trắc chất lượng môi trường nước ven bờ đúng cách,…

Nếu không được bảo vệ và gìn giữ thì tiềm năng và lợi thế này cũng không còn.

Với tên gọi “đảo ngọc” nhưng Cát Bà giờ đây là những dãy bè nuôi cá lồng san sát nhau, những phên giậu “cắm nát” mặt biển, với mùi cá tanh nồng, những túi nilon, vỏ trai nhựa và xác cá chết nổi trôi trên mặt biển. Nước biển đã mất đi sự xanh trong vốn có mà thay vào đó bằng màu lờ lờ lẫn rác cùng chất thải thừa (chủ yếu từ cá tạp, thức ăn vụn) từ các bè nuôi thải ra.

Mức độ ô nhiễm môi trường biển tại khu vực nuôi cá lồng bè trên vịnh biển Cát Bà đã thật sự trở thành vấn đề bức xúc, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì môi trường của khu vực nuôi nói riêng và vùng biển Cát Bà nói chung sẽ bị phá vỡ.

Theo thống kê hiện Cát Bà có 441 cơ sở nuôi trồng thủy sản, 9.507 ô nuôi thủy hải sản, trong đó có 1.598 ô nhà ở, khoảng 16.000 quả phao xốp, hơn 100 tàu du lịch và hơn 1.000 dân đang sinh sống.

Nước thải, chất thải sinh hoạt của hơn 1.000 dân sinh sống tại các nhà bè được xả trực tiếp ra vịnh không qua bất kỳ hệ thống xử lý nào. Được biết, năm 2020 Hải Phòng có dự kiến sẽ di dời 289 cơ sở nuôi thủy sản ra khỏi vịnh để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Đảo Cát Bà đẹp, Vịnh Lan Hạ lại vừa được Hiệp hội Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới chấp thuận trở thành thành viên chính thức với 100% phiếu biểu quyết nhất trí. Đây là tiềm năng lợi thế của Cát Bà trong việc phát triển hoạt động du lịch – ngành công nghiệp không khói. Nhưng nếu không được bảo vệ và gìn giữ thì tiềm năng và lợi thế này cũng không còn.

Theo Đề án “Phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 của UBND TP Hải Phòng xác định, phấn đấu xây dựng Cát Bà trở thành điểm du lịch xanh đẳng cấp quốc tế, tạo điểm nhấn quan trọng và động lực trong phát triển du lịch đất Cảng. Để làm được việc này, hợp tác với Nhật Bản áp dụng mô hình hồ Biwa để tăng cường quản lý vùng biển quần đảo Cát Bà và vùng xung quanh là hoàn toàn cần thiết với Hải Phòng lúc này.

Được biết, hồ Biwa là một hồ lớn của tỉnh Shiga (Nhật Bản), là hồ nước ngọt lớn nhất Nhật Bản, cung cấp nước sạch cho 14,5 triệu người dân. Vào đầu 1970, để giải quyết các thách thức về môi trường bao gồm suy giảm chất lượng nước, một chương trình toàn diện đã được lập ra để bảo tồn môi trường nước cũng như phát triển kinh tế khu vực thông qua sự phối hợp giữa các ngành, chính quyền, giới học thuật và công dân.

Mô hình hồ Biwa được tạo nên bởi sự nỗ lực và các hoạt động của người dân trong việc bảo vệ hồ; thiết kế và nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc xây dựng cơ chế nhằm bảo vệ môi trường nước của hồ; công tác triển khai và sự nỗ lực của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường nước dựa vào cộng đồng địa phương;…

Tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cũng đã áp dụng mô hình hồ Biwa, nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Quảng Ninh thông qua quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế nâu sang xanh.