Lần đầu tiên sử dụng thành công thiết bị bay không người lái theo dõi, nghiên cứu tê tê tái thả tại Việt Nam

Lần đầu tiên trên thế giới, thiết bị bay không người lái với hệ thống điều khiển vô tuyến đã được sử dụng thành công để theo dõi, nghiên cứu tê tê sau khi tái thả tại Việt Nam.

Đây là kết quả của sự hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife – SVW) với Công ty Wildlife Drones từ Australia và được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã.

Tê tê là một trong những loài động vật có vú bị buôn bán trái pháp luật nhiều nhất trên thế giới, số lượng loài đang suy giảm nhanh chóng ở Đông Nam Á và châu Phi. Hiện ở Việt Nam, SVW đã cứu hộ, tái thả hàng trăm cá thể tê tê bị săn bắt và buôn bán trái pháp luật.Trước khi tái thả, tê tê được gắn các thiết bị phát sóng radio cho phép theo dõi hoạt động của chúng.

Hoạt động tái thả tê tê. (Ảnh: Save Vietnam’s Wildlife)

Theo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Save Vietnam’s Wildlife, từ trước đến nay SVW phải theo dõi mỗi cá thể tê tê sau khi tái thả bằng đường bộ trong một khu vực rừng rộng lớn nên chỉ theo dõi được một số lượng cá thể rất hạn chế. Tuy nhiên, khó khăn này đã được giải quyết với việc sử dụng hệ thống theo dõi bằng sóng vô tuyến qua thiết bị bay không người lái do Công ty Wildlife Drones khởi xướng. Với khả năng tìm kiếm nhanh chóng trong một khu vực rộng và xác định đồng thời nhiều cá thể tê tê cùng lúc từ trên không, công nghệ này giúp tiết kiệm thời gian và giảm công sức cho việc theo dõi tê tê.

Tiến sĩ Debbie Saunders, Giám đốc điều hành Công ty Wildlife Drones cho biết: “Công nghệ của chúng tôi đã chứng tỏ được hiệu quả trong việc theo dõi các loài động vật nhỏ, ngay cả khi chúng sống ở các rừng có mật độ che phủ dày và thường sống trong các hang đào dưới đất. Đây là lần đầu tiên công nghệ này được sử dụng tại vùng rừng nhiệt đới Đông Nam Á và giải quyết được các thách thức tồn tại lâu nay trong hoạt động theo dõi động vật ở khu vực này”.

“Với pháp phương pháp mới này, chúng tôi có thể theo dõi, nghiên cứu đến 100 cá thể tê tê cùng một lúc. Điều quan trọng hơn nữa là các thông tin thu thập được sẽ giúp chúng tôi rất nhiều trong việc tái thả trong tương lai”, ông Nguyễn Văn Thái cho biết.

Việc áp dụng thành công công nghệ hiện đại ở các khu vực xa xôi và khó khăn đã mở ra một thời kỳ mới cho việc theo dõi động vật hoang dã và đặt cột mốc mới trong lĩnh vực theo dõi các động vật nhỏ bằng sóng vô tuyến, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cứu hộ và tái thả động vật hoang dã.