Lời kêu cứu từ Mozambique

Hạn hán, lũ lụt và mưa bão là những thảm họa thiên tai mà cộng đồng người nghèo ở Mozambique phải đối mặt thường trực, tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, thời tiết cực đoan đã diễn biến đến mức người dân và chính phủ nước này không thể ứng phó.

Đây là nhận định của ông Gaspar Sitefane, Giám đốc ActionAid – cơ quan nhân đạo quốc tế tại Mozambique.

Phân phát khẩu phần ăn bánh mì cứu trợ của WFP tại một gia đình ở Binga, Zimbabwe. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ông Gaspar Sitefane, sau 2 cơn bão lốc xoáy tại Mozambique hồi tháng 3-4/2019, hiện nay, miền Bắc đang đối mặt với lũ lụt trong khi miền Nam đang vật lộn với tình trạng hạn hán. Tại một số vùng 2 cơn bão trên tràn qua, người dân đang đối mặt với nguy cơ chết đói.

Ông cảnh báo quốc gia châu Phi sẽ rơi vòng nghèo đói luẩn quẩn khi chính phủ nước này buộc tăng cường vay nợ hoặc tăng thuế để bổ sung ngân sách quốc gia, điều này sẽ không cải thiện tình hình mà còn gia tăng gánh nặng lên người dân Mozambique.

Ông kêu gọi các nhà đàm phán tại Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước biến đổi khí hậu (COP 25) dự kiến diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha vào tháng 12 tới có hành động nhanh chóng để cứu người dân Mozambique.

Trên thực tế, các thảm họa thiên tai xảy ra tại Mozambique là phần nổi của tảng băng chìm khi thế giới đang ngày càng đối mặt với sự gia tăng về cả tần suất xuất hiện của thảm họa thiên tai và tính nghiêm trọng hậu quả của những thảm họa đó mà theo các nghiên cứu của giới khoa học, các nước nghèo là nhóm chịu tổn thương hơn cả.

Cùng với nhiều tổ chức khí hậu quốc tế, ActionAid mong muốn COP 25 sẽ xây dựng nguồn quỹ giải cứu những nước bị rơi vào tuyến đầu của tình trạng “thiệt hại và mất mát” do biến đổi khí hậu.

Ông Sven Harmeling, phụ trách chính sách khí hậu của cơ quan viện trợ International Care cho biết các báo cáo khoa học của Liên hợp quốc trong năm ngoái đã xác định rõ rằng thiệt hại nghiêm trọng hơn sẽ xuất hiện và bây giờ là thực tế mà con người đang đối mặt. Ông nói thế giới đã lãng phí nhiều năm do những nỗ lực không hiệu quả để cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hỗ trợ rất ít cho các biện pháp giúp con người thích ứng với tình trạng gia tăng rủi ro xảy ra thảm họa.

Cơ chế quốc tế Warsaw về thiệt hại và mất mát (WIM) đã có những đề xuất tiên tiến đối với các vấn đề chính như phương thức để hỗ trợ những người phải rời bỏ nhà cửa do mực nước biển dâng hay đất nông nghiệp bị thoái hóa. Tuy nhiên, cho đến nay, WIM vẫn chưa biến các đề xuất trên thành hành động cụ thể do đã có sự rút lui từ các chính phủ tham gia cơ chế này, trong đó có Mỹ và Ausrtralia, đối với việc đóng góp kinh phí để khắc phục những thiệt hại đang gia tăng tại các nước nghèo.

Thực trạng hiện nay là trong khi các nước giàu thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong nhiều thập kỷ qua, thiệt hại lại rơi vào những nước nghèo không góp phần gây ra tình trạng khí hậu nóng lên và cũng là những nước không có nhiều nguồn lực để đối phó. Các nhà khoa học cho rằng các nước giàu, với lịch sử và khối lượng khí nhà kính họ thải ra trong thời gian dài, cần đóng góp phần vượt trội cho các nguồn lực cần thiết để giải quyết những thiệt hại tại các nước nghèo.

Công trình nghiên cứu của Viện nghiên cứu môi trường Stockholm cho biết Mỹ nợ ít nhất 30% và Liên minh châu Âu nợ khoảng 25% chi phí đóng góp các cho nỗ lực trên. Các nhà khoa học cũng gợi ý các biện pháp như đánh thuế đối với hoạt động hàng không gây ô nhiễm và ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.