Dịch tả lợn châu Phi sẽ khiến 1/4 số lợn trên thế giới bị chết

Theo The Guardian, Tổ chức thú y thế giới (World Organisation for Animal Health) dự báo, khoảng 1/4 số đầu lợn trên thế giới ​​sẽ chết do dịch bệnh tả lợn châu Phi mà tác nhân gây bệnh là vi rút dịch tả lợn châu Phi (African swine fever (ASF).

Vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được xác định ở 50 quốc gia, bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Ba Lan, Nga, Philippines và Bỉ. (Ảnh: Flickr)

Sốt lợn châu Phi là một bệnh do vi rút được biết đến từ đầu thế kỷ 20 khi lợn nhà được mang đến Nam Phi đã nhiễm vi rut từ lợn hoang châu Phi. Bệnh lần đầu tiên xâm nhập vào châu Âu năm 1957 và sang Mỹ năm 1971.

Vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tồn tại trong một phạm vi nhiệt độ rộng, có khả năng chống khô và đóng băng, vì vậy, nó có thể được lưu giữ trong thịt chế biến tới vài tháng và trong thịt lợn đông lạnh đến vài năm. Thông thường, bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh hoặc xác lợn chết, cũng như qua vết cắn của ve.

Ở dạng cấp tính của bệnh, hơn 90% lợn nhiễm bệnh bị chết, còn ở dạng mạn tính – 50%. Hiện nay, vẫn không có vắc xin cho bệnh dịch tả lợn châu Phi và không có phương pháp điều trị hiệu quả. Thông thường, để ngăn chặn sự lây lan của bệnh trong trường hợp phát hiện động vật bị bệnh, tất cả lợn trong trang trại đều bị giết và xác chết được tiêu huỷ. Đối với con người, căn bệnh này không nguy hiểm.

Năm 2018, một trận dịch tả lợn châu Phi nghiêm trọng đã bùng phát ở Trung Quốc, cũng lan sang Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam. Có tới 100 triệu con lợn đã chết ở Trung Quốc trong một năm. Một đợt bùng phát khác trong vài năm qua đã tiếp tục ở Đông Âu, bao gồm cả Nga. Còn ở Tây Ân, năm 2018, một trận dịch bệnh đã đánh vào những con lợn rừng Bỉ.

Phó chủ tịch Tổ chức thú y thế giới, tiến sĩ Mark Schipp tuyên bố rằng, dịch tả lợn châu Phi đã trở thành “mối đe dọa lớn nhất’’ hiện nay. Theo ông, sự lây lan của căn bệnh này ở Trung Quốc, nơi có một nửa số vật nuôi trên thế giới, đã gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Ông lưu ý rằng việc lợn chết ồ ạt ở Trung Quốc đã dẫn đến việc mua thịt lợn ở nước ngoài tăng lên, vì Trung Quốc cũng là nước dẫn đầu về tiêu thụ thịt lợn và việc kiểm soát vệ sinh không đầy đủ khiến xuất khẩu thịt lợn trở thành phương thức lây truyền bệnh qua biên giới các quốc gia.

Tình hình sẽ trở nên trầm trọng hơn, khi Trung Quốc mất tới 350 triệu con lợn trong năm nay. Tiến sĩ Mark Schipp nói rằng các nhà khoa học trên thế giới đang cố gắng tạo ra một loại vắc xin để ngăn chặn vi rút gây bệnh, nhưng cho đến nay nhiệm vụ này vẫn chưa được hoàn thành.