Ngành năng lượng tái tạo thế giới bị cáo buộc sai phạm quyền sử dụng đất, tham nhũng, bạo lực

Đa số các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khai thác khoáng sản nhằm phục vụ mục đích cung cấp năng lượng tái tạo cho xe điện, tấm năng lượng mặt trời và tuabin gió được cho là có liên quan đến tình trạng vi phạm sử dụng lao động tại các mỏ khai thác do họ sở hữu, dựa trên một báo cáo nghiên cứu gần đây.

Nhu cầu về khoáng sản có thể tăng đến 900% cho đến năm 2050, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (Trong ảnh: Hoạt động khai thác coban tại Cộng hòa Dân chủ Congo)

87% các công ty khai thác lớn nhất vi phạm sử dụng lao động

Bài nghiên cứu phân tích do Tổ chức quan sát doanh nghiệp quốc tế, có tên Trung tâm Tài nguyên doanh nghiệp và nhân quyền (BHRRC) thông tin có đến 20 trong số 23 công ty lớn nhất trong lĩnh vực khai thác coban, đồng, lithium, mangan, kẽm và thiếc đang phải đối mặt với những cáo buộc liên quan đến sai phạm quyền sử dụng đất, tham nhũng, bạo lực hay thương vong trong vòng 10 năm qua.

Số lượng cáo buộc về vi phạm lớn nhất thuộc về những quặng khai thác coban tại Cộng hòa Dân chủ Congo – nơi ghi nhận đến 31 cáo buộc trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2019. Coban là một thành tố quan trọng trong các cục pin xe ô tô, với hơn 70% lượng coban của thế giới được khai thác tại quốc gia này.

Hàng chục nghìn thợ khai thác, thủ công – phần lớn được cho là còn nằm trong độ tuổi thiếu niên – phải đối mặt với điều kiện lao động nguy hiểm, sự chuyển dịch chỗ làm thường xuyên và môi trường ô nhiễm độc hại. Đồng, một thành phần chủ chốt cho các tuabin gió và tấm năng lượng mặt trời, có số lượng cáo buộc cao thứ 2 với 22 cáo buộc liên quan đến vi phạm sử dụng nước sạch và sai phạm quyền sử dụng đất, được ghi nhận tại quốc gia Zambia trong giai đoạn 2010-2019.

Với nền kinh tế thế giới đang chuyển dịch sang các công nghệ sử dụng thấp lượng cacbon nhằm đối phó với hiện trạng nóng lên của Trái đất, nhu cầu về khoáng sản có thể tăng tới 900% cho đến năm 2050, dựa theo ước tính của Ngân hàng Thế giới. Để nhằm ngăn chặn những vi phạm này, các công ty năng lượng tái tạo cần khẩn trương tinh chỉnh chuỗi cung ứng của mình, nhà nghiên cứu Eniko Horvath thuộc BHRRC cho hay.

“Khi ngành năng lượng tái tạo đang tìm cách ổn định vị thế của bản thân, điều tối quan trọng cần phải làm là giới thiệu các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt sử dụng lao động xuyên suốt chuỗi cung ứng của ngành” – ông Horvath nói – “Điều này là cần thiết nhằm ngăn chặn các hành vi sai phạm, duy trì được giấy phép hoạt động, và tránh được những trì hoãn tốn kém có thể xảy ra do phản đối từ địa phương”.

Không có chính sách đối đãi với người lao động một cách tối thiểu 

Phó Giám đốc BHRRC Marti Flacks nói rằng tại nhiều quốc gia cho phép khai thác khoáng sản, các công ty này thường lợi dụng hệ thống hành pháp và chế độ pháp quyền yếu kém để lách luật. “Các công ty năng lượng tái tạo cần thực hiện đúng nghĩa vụ pháp lý của mình dù ở bất cứ nơi đâu họ hoạt động. Đây không phải chỉ là vấn đề về một đất nước hay một quặng mỏ”, ông Flacks cho hay.

Những công ty đang khai thác 6 loại khoáng sản trên phần lớn là công ty tầm trung và vì vậy thường không thực hiện đủ nghĩa vụ pháp lý của mình cũng như không có những chính sách đối đãi với người lao động một cách tối thiểu. “Nhưng ngành năng lượng tái tạo đang trên đà phát triển rất nhanh và có khả năng điều chỉnh phương thức hoạt động cũng như tiêu chuẩn của ngành.

Đây là một cơ hội đặc biệt để gửi tới ngành công nghiệp này một thông điệp rằng: Cần phải thực hiện đúng nghĩa vụ, cần phải có chính sách bảo vệ người lao động và cần phải có những sáng kiến hợp tác với những bên liên quan mật thiết, thị sát các điểm khai thác, và quan trọng nhất là trao đổi với cộng đồng và các tổ chức phi Chính phủ nhằm có những báo cáo chính xác về những việc đang diễn ra”, ông Flacks bày tỏ quan điểm về triển vọng thay đổi của ngành năng lượng tái tạo.