Tổng công ty Công trình Viettel chung tay đẩy lùi nạn buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã

Hưởng ứng Ngày Tê giác thế giới (22/9), ngày 09/9/2019, Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (TCT Công trình) và tổ chức WCS đã ký thỏa thuận hợp tác về phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã (ĐVHD).

Nhiều loài ĐVHD ở khắp nơi trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do nạn buôn bán ĐVHD trái phép: từ năm 2006 – 2015, quần thể voi Châu Phi đã giảm tới 111,000 con; hơn 9,200 con tê giác đã bị sát hại tại Châu Phi kể từ năm 2006; trên khắp Châu Á chỉ còn chưa tới 4,000 cá thể hổ hoang dã và nạn săn bắn hổ vẫn diễn ra nghiêm trọng; tê tê – động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới – có thể sẽ biến mất vĩnh viễn trong vòng 10 năm tới nếu như nạn buôn bán tiếp tục diễn ra với quy mô như hiện giờ.

Tê giác (nguồn WCS)

Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến trong cuộc đấu tranh chống tội phạm ĐVHD, bao gồm việc nâng mức hình phạt lên tới 15 năm tù đối với tội phạm liên quan đến ĐVHD trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), nhưng việc ban hành luật là chưa đủ để đẩy lùi vấn nạn này. Sự đồng hành của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động tại nhiều nước trên thế giới như TCT Công trình là hướng đi chiến lược để giải quyết tội phạm về ĐVHD, trong bối cảnh chúng đang phát triển ngày càng tinh vi, trở thành tội phạm xuyên biên giới. Trong Hội nghị London về chống buôn bán trái pháp luật động thực vật hoang dã vào tháng 10 năm 2018, Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh cam kết hợp tác với khối doanh nghiệp trong việc chấm dứt hoạt động tiêu thụ, buôn bán ĐVHD tại Việt Nam hoặc có liên quan đến Việt Nam.

Trong khuôn khổ hợp tác với WCS, TCT Công trình Viettel đề ra mục tiêu nâng cao nhận thức, giúp tập thể Người công trình phòng tránh các rủi ro liên quan đến buôn bán trái pháp luật ĐVHD. Đôi khi, chỉ vì mua một chiếc vòng tay bằng ngà voi từ nước ngoài về để làm quà tặng cho người thân, công dân Việt Nam có thể chịu mức phạt nhiều năm tù giam, dù theo luật Việt Nam hay luật của nước sở tại. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm đều xảy ra ít nhất một trường hợp công dân Việt Nam bị bắt giữ tại các nước châu Phi vì phạm tội liên quan đến ĐVHD. Trong khi thực hiện sứ mệnh tiếp tục vươn xa sang các thị trường trên thế giới, TCT Công trình mong muốn đảm bảo sự an toàn cho tất cả Người công trình.

Thông qua hợp tác với WCS, TCT Công trình đồng thời thể hiện cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, trở thành doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD và chống buôn bán trái phép ĐVHD tại Việt Nam và trên thế giới.