Thiên tai hoành hành khắp thế giới

Hơn 100 đám cháy đã được ghi nhận tại bang Queensland và New South Wales – Úc do hạn hán và ít mưa thời gian vừa qua.

Lực lượng cứu hỏa Úc đã nỗ lực khống chế đám cháy trong điều kiện gió mạnh ngày 7-9 khi các vụ cháy rừng ngoài tầm kiểm soát đã thiêu rụi ít nhất 21 ngôi nhà trên khắp 2 bang ở bờ biển phía Đông nước này. Tại bang Queensland, đã có 51 vụ cháy rừng xảy ra ngày 7-9, khiến 17 ngôi nhà bị phá hủy và nguy cơ đám cháy còn tiếp tục lan rộng trong những ngày tới. Còn tại bang New South Wales, hơn 65 đám cháy được ghi nhận. Lực lượng cứu hỏa nông thôn bang New South Wales (RFS) cho biết hơn 500 lính cứu hỏa tiếp tục khống chế đám cháy trong điều kiện thời tiết không thuận lợi để bảo vệ những ngôi nhà khác.

Cháy rừng hoành hành ở thị trấn Canungra, bang Queensland – Úc hôm 7-9 Ảnh: PERTH NOW

Tại Brazil, Bộ trưởng Môi trường Ricardo Salles cho biết nước này không có đủ nguồn lực tài chính để thuê lực lượng thường trực nhằm đối phó tình trạng cháy rừng ở Amazon nhưng sẽ ký hợp đồng lao động ngắn hạn với lực lượng cảnh sát môi trường địa phương.

Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Salles cho rằng với kế hoạch này, cảnh sát môi trường địa phương sẽ được thuê làm việc trong ngày nghỉ phép để hỗ trợ các nỗ lực chữa cháy của lực lượng chính phủ. Bộ Môi trường Brazil đặt mục tiêu đạt thỏa thuận với các bang để kế hoạch này có thể được thực thi trước khi bước vào mùa cao điểm phá rừng và cháy rừng trong năm 2020, thường bắt đầu vào tháng 5 hoặc 6.

Năm 2019, rừng Amazon ở Brazil đã ghi nhận số vụ cháy cao nhất kể từ năm 2010, dẫn đến sự phản đối của cộng đồng quốc tế khi cho rằng nước này hành động chưa đủ bảo vệ rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Số liệu của Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE) cho thấy tính từ đầu năm tới tháng 8-2019, rừng Amazon bị tàn phá đã tăng 92%, lên 6.404 km2 – lớn hơn diện tích của bang Delaware ở Mỹ. Chỉ tính riêng trong tháng 8, diện tích rừng bị phá đã tăng gấp 3 lần, lên 1.700 km2.

Trước khủng hoảng cháy rừng, 7 nước vùng Amazon – gồm: Colombia, Bolivia, Ecuador, Peru, Brazil, Guyana, Cộng hòa Suriname – hôm 6-9 đã ký thỏa thuận bảo vệ rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới thông qua thiết lập cơ chế điều phối các biện pháp ứng phó thảm họa và giám sát qua vệ tinh. Lãnh đạo 7 nước này dự kiến gặp lại nhau tại Hội nghị Chống biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc diễn ra vào tháng 12 tới.

Theo hiệp ước, các nước sẽ tạo ra mạng lưới ứng phó thiên tai để có thể hợp tác tốt hơn khi đối mặt các thảm họa như cháy rừng quy mô lớn. Nhóm này cũng đề ra các sáng kiến chống phá rừng, tăng cường nỗ lực giám sát qua vệ tinh, phát triển các sáng kiến tuyên truyền, tăng vai trò của cộng đồng thổ dân trong phát triển bền vững, chia sẻ thông tin về các hoạt động như khai khoáng bất hợp pháp.

Hàn Quốc gồng mình chống bão

Ít nhất 2 người thiệt mạng và 31.000 ngôi nhà mất điện trong ngày 7-9 khi bão Lingling đổ bộ Hàn Quốc kèm theo mưa lớn, gió to. Hàng trăm sự cố nhỏ khác, đa số là ngã cây, được ghi nhận trên toàn quốc cùng với gần 300 chuyến bay bị hủy. Cơn bão dự kiến tiếp tục di chuyển về phía Bắc, hướng đến Triều Tiên vào cuối ngày – theo Hiệp hội Khí tượng Hàn Quốc. Giới chức trách đang khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Trước đó, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã triệu tập cuộc họp khẩn nhằm thảo luận các nỗ lực phòng chống thiên tai trước khi bão đổ bộ.