Việt Nam cần kiểm soát tội phạm môi trường trước khi quá muộn

Đây là lời khuyến nghị của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) thông qua Báo cáo vừa được xuất bản mang tiêu đề “Không còn thời gian: Thất bại trong thực thi công lý về tội phạm động vật hoang dã ở Việt Nam”.

Báo cáo được công bố ngay trước thềm Hội nghị các nước thành viên (CoP18) Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) – sẽ diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ từ 17-28/8/2019 – nhằm tập trung sự chú ý đối với Việt Nam.

8 tấn vảy tê tê bị thu giữ tại Hải Phòng (Ảnh: Hải quan Việt Nam)

EIA khẳng định trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các mạng lưới buôn bán động vật hoang dã có tổ chức, thúc đẩy nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trên toàn cầu, song phản ứng của Chính phủ chưa thỏa đáng và tương xứng với quy mô hoạt động buôn lậu có sự tham gia của các nhóm tội phạm người Việt.

Thống kê dựa trên một số dữ liệu công khai cho thấy Việt Nam có liên quan đến hơn 600 vụ việc về buôn bán bất hợp pháp, bao gồm ít nhất 105,72 tấn ngà voi, tương đương với khoảng 15.779 cá thể; 1,69 tấn sừng ước tính có nguồn gốc từ khoảng 610 cá thể tê giác; da, xương và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ ít nhất 228 cá thể hổ; cơ thể và vảy của 65.510 cá thể tê tê.

Đặc biệt, ngoài việc là thị trường cuối cho các công dân Việt Nam mua và tiêu thụ các sản phẩm trang sức từ ngà voi, bột sừng tê giác, cao hổ và thịt tê tê, Việt Nam còn đóng vai trò là điểm trung chuyển quan trọng cho hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp vào Trung Quốc.

Lô sừng tê giác bị thu giữ tại sân bay Nội Bài (Ảnh: Hải quan Hà Nội)

Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã đạt được một số tiến triển trong công tác đấu tranh chống tội phạm môi trường, bao gồm việc sửa đổi Bộ luật hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt cho tội phạm buôn bán động vật hoang dã có tổ chức, song những thay đổi này chưa đủ và vấn đề đáng lo ngại vẫn nằm ở việc thực thi. Đơn cử, Việt Nam đã không thực hiện phân tích pháp y cho phần lớn các vụ bắt giữ ngà voi quy mô lớn (500 kg trở lên); cho đến nay, 39 vụ bắt giữ ngà voi quy mô lớn với tổng khối lượng 66 tấn (ước tính có nguồn gốc từ 9.850 cá thể voi) được thực hiện tại Việt Nam nhưng chưa có bất cứ bản án nào dành cho các đối tượng liên quan tới các vụ bắt giữ quy mô lớn của lực lượng Hải quan tại các cảng nhập khẩu.

Các cuộc điều tra gần đây của EIA tại châu Phi và châu Á cũng phơi bày các mạng lưới tội phạm có tổ chức của Việt Nam liên quan đến hoạt động buôn lậu nhiều loài hoang dã như ngà voi, sừng tê giác và tê tê, tuy nhiên, không có bất cứ đối tượng nào trong số các cá nhân hay công ty đã được xác định bị truy tố, kể cả những trường hợp tái phạm vẫn đang tiếp tục hoạt động ở Việt Nam.

Nhằm hành động và kiểm soát tội phạm môi trường trước khi quá muộn, EIA khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần tiến hành các cuộc điều tra tiếp theo đối với các vụ bắt giữ động vật hoang dã quy mô lớn để phá vỡ các mạng lưới tội phạm liên quan; cải thiện các phương pháp phát hiện và thực hiện các biện pháp chống tham nhũng tại các điểm xuất, nhập chính dọc theo các tuyến buôn bán động vật hoang dã. Bên cạnh đó, cần sử dụng các biện pháp điều tra về tài chính và các kỹ thuật chuyên ngành khác để truy tố các tội liên quan đến động vật hoang dã như lừa đảo, tham nhũng, hối lộ và trốn thuế.

Theo EIA, từ năm 2006 đến 2015, số lượng voi châu Phi đã giảm từ 93.000 – 111.000 cá thể, đánh dấu sự suy giảm tồi tệ nhất trong 25 năm qua; hơn 9.200 cá thể tê giác bị giết hại ở châu Phi kể từ năm 2006; chỉ còn không tới 4.000 cá thể hổ hoang dã ở châu Á và chúng vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ nạn săn trộm; và tê tê, loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới, có thể bị xóa sổ trong 10 năm nữa nếu hoạt động buôn bán tê tê với quy mô lớn như hiện nay tiếp tục tiếp diễn.

Nguồn: