Còn biệt phủ, resort xâm chiếm, còn nguy cơ cháy rừng

Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực trong chỉ đạo bảo vệ, trồng mới để mở rộng diện tích, nhưng vấn nạn “phá rừng một cách hợp pháp” thông qua các dự án xây dựng khu sinh thái, nghỉ dưỡng vẫn diễn ra tại nhiều địa phương; chưa kể tình trạng nhiều diện tích đất rừng phòng hộ bị biến thành đất thổ cư để xây nhà ở, nhà nghỉ…

Dưới sự xâm hại của các dự án, nguy cơ cháy rừng sẽ còn tiếp diễn.

Cháy rừng ngay sát khu dân cư tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: TCLN

Resort, biệt thự, khu dân cư “ăn mòn” diện tích rừng

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), tính đến ngày 24.6.2019, cả nước đã xảy ra 5.646 vụ vi phạm về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng; xảy ra 863 vụ phá rừng, diện tích rừng bị phá trong 6 tháng qua là 287ha; đã xử lý hành chính 4.938 vụ; xử lý hình sự 126 vụ.

Cách đây 2 năm, báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp cũng chỉ rõ: Trong vòng 5 năm (2012 – 2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm; còn lại 11% là do phá rừng trái pháp luật.

Từ tổng hợp của 58 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, trong khoảng 5 năm qua, các cơ quan nhà nước đã phê duyệt chuyển mục đích sử dụng gần 38.300ha rừng với 1.892 dự án.

Trong đó rừng tự nhiên gần 19.000ha, rừng trồng hơn 15.800ha, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp trên 3.500ha. Đáng lưu ý, một số vụ phá rừng nghiêm trọng ở các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Nghệ An, Bắc Kạn, Điện Biên được phát hiện rất muộn.

Điểm mặt những vụ ngang nhiên xâm hại rừng

Đình đám nhất có thể phải nói là những vụ vi phạm diện tích rừng tại Hà Nội. Năm 2006, Thanh Tra Chính phủ phát hiện 659 công trình vi phạm đất rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn với tổng diện tích 11ha, tuy nhiên, kết luận của Thanh tra TP. Hà Nội ngày 22.3.2019 đã chỉ ra, số vi phạm lên tới 1.016 công trình.

Thanh tra TP.Hà Nội đã kết luận sai phạm xảy ra ngay từ khâu quy hoạch, quản lý và trách nhiệm xử lý của chính quyền các cấp huyện Sóc Sơn.

UBND 7 xã thuộc huyện Sóc Sơn đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong xử lý các vi phạm các diện tích đất thuộc phạm vi rừng phòng hộ.

Việc mua bán, chuyển nhượng, tách thửa… vô tội vạ; UBND huyện Sóc Sơn đã không xử lý 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và UBND TP.Hà Nội.

Đặc biệt trong 2 năm 2017 – 2018, nhiều công trình vi phạm mới vẫn tiếp tục diễn ra. Chỉ riêng ở hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ vùng quy hoạch rừng đã có tới 797 trường hợp vi phạm.

Năm 2016, Dự án Le Mont Bavi Resort & Spa tọa lạc ở độ cao 600m (cốt 600) giữa Vườn quốc gia Ba Vì với hàng chục khách sạn, biệt thự, bể bơi… bị phát hiện chưa được cấp phép.

Tại thời điểm đó, trả lời Báo Lao Động, ông Lương Ngọc Anh, đại diện chủ đầu tư thừa nhận đã sai sót khi chưa hoàn tất hồ sơ, chưa được cấp phép đã đầu tư xây dựng và cho rằng, việc liên kết khoán quản, hoạt động du lịch sinh thái tại vườn là chủ trương của Bộ NNPTNT, Bộ cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết, đồng ý cho Vườn quốc gia và chủ đầu tư ký hợp đồng liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái từ năm 2008, nhưng 8 năm sau vẫn chưa phê duyệt đề án.

Tại diễn đàn Quản lý rừng bền vững ở Tây Nguyên do Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới tổ chức mới đây (3.4.2019) công bố, rừng Tây Nguyên liên tục giảm trong những năm qua, từ hơn 2,8 triệu hécta năm 2010, hiện chỉ còn hơn 2,5 triệu hécta, trong đó, khoảng 300.000ha đang bị tranh chấp, lấn chiếm…

Cách đây chưa lâu, UBND TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa ra quyết định buộc Cty CP Thiên Nhân phải trồng lại 800m2 rừng đã bị chặt hạ ngay trong mùa mưa năm nay; phá dỡ 5 nền nhà xây dựng không phép, khôi phục tình trạng ban đầu; bồi thường trị giá gỗ thông mà doanh nghiệp đã cưa hạ…

Trong khi nhiều sai phạm của một số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tại các dự án du lịch, nghỉ dưỡng ở Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm (TP. Đà Lạt) vẫn chưa được xử lý dứt điểm, cơ quan chức năng lại tiếp tục phát hiện doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp tại đây có hành vi phá rừng trái phép và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ để xây dựng công trình mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép…

Trách nhiệm của ai?

Điều 18 tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP ghi rõ: Bộ NNPTNT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với hệ thống rừng phòng hộ trong phạm vi cả nước; trực tiếp tổ chức quản lý các khu rừng phòng hộ nằm trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước đối với hệ thống rừng phòng hộ ở địa phương.

Bộ NNPTNT cũng thẳng thắn nhìn nhận, chính việc xử lý thiếu kiên quyết, không nhất quán, thậm chí có biểu hiện né tránh trách nhiệm, làm ngơ, tiếp tay cho người phá rừng, gây thiệt hại lớn đối với tài nguyên rừng, gây bức xúc trong xã hội.

Trước vấn nạn rừng bị xâm hại, Bộ NNPTNT đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương có tình trạng phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm, nhất là một số địa phương đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua.

Chỉ tính trong 3 năm qua (2016 – 2018), bình quân mỗi năm cả nước phát hiện 16.980 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Trước tình trạng trên, Bộ NNPTNT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý khi thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian vừa qua; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng, điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm và công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát.

Với các địa phương, kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời, tổ chức ngăn ngừa hành vi phá rừng, kiên quyết loại thải phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền.

Với các tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương không giải quyết dứt điểm được tình trạng phá rừng, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng nghiêm trọng, kéo dài, Bộ NNPTNT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an phối hợp, hỗ trợ để điều tra, xử lý các vụ vi phạm pháp luật.

Từ năm 2005, báo cáo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã chỉ ra rằng, Việt Nam là nước có tỉ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Nigeria.

Nguyên nhân mất rừng do sự yếu kém của cơ quan kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng, sự thông đồng, cấu kết, tiếp tay, chia chác của những người có trách nhiệm với lâm tặc chặt phá rừng.

Các hình thức phá rừng ngày càng tinh vi và trắng trợn như chuyển đổi rừng, phê duyệt các dự án đầu tư đã gây bất bình trong dư luận.

Mặc dù vậy, nhờ các nỗ lực bảo vệ và trồng mới rừng của chính phủ Việt Nam, tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam không ngừng tăng lên từ năm 1996 đến nay.

Xây biệt thự không phép trên đất rừng

Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng tại Nghệ An, Hà Tĩnh gây hậu quả nghiêm trọng làm cộng đồng bất an. Trước đó, đã có nhiều vụ vi phạm quy định về bảo vệ, quản lý rừng nghiêm trọng, nhưng chưa được xử lý rốt ráo.

Đã hàng chục năm nay, tại khu vực rừng phòng hộ thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) “mọc” lên ngôi chùa Hang, xây dựng rầm rộ trên diện tích lớn.

Điều đáng nói là cho đến nay, không có bất kỳ một văn bản của cơ quan thẩm quyền nào cấp phép xây dựng ngôi chùa này.

Đơn vị quản lý rừng phòng hộ cũng chỉ biết lập biên bản, báo cáo, còn chính quyền địa phương thì không xử lý rốt ráo, thậm chí một số cán bộ địa phương còn lên tiếng bảo vệ cho ngôi chùa không phép này.

Nhiều người cao niên ở địa phương cho biết, từ lúc thiếu thời đến nay, chưa bao giờ nghe đến tên gọi chùa Hang, sau này ông Trần Văn Phú, một người dân địa phương tự ý vào xây “chùa”.

Ngôi chùa này cũng không có sư trụ trì, chỉ có ông Phú mặc nhiên là quản lý chùa này.

Tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương (Nghệ An), từ năm 2018 bất ngờ mọc lên một “biệt thự” 2 tầng, khang trang tại khu vực đất lâm nghiệp.

Một người dân địa phương cho biết biệt thự này có 11 phòng ngủ, 2 phòng làm bếp và kho.

Tầng 1 là nơi tiếp khách, có sân chơi rộng rãi. Các phòng được bố trí nội thất khép kín, hiện đại hơn nhiều khách sạn ở TP.Vinh. Sân bãi có đèn chiếu, sân rộng chứa được cả trăm chiếc ôtô con.

Chính quyền địa phương vào cuộc, xác định công trình sai phạm, yêu cầu tháo dỡ.

Tuy nhiên, đã nhiều tháng trôi qua, biệt thự vẫn chưa ai đụng đến.

Tại Nghệ An, nhiều địa phương xảy ra tình trạng vi phạm, sai phạm trong quản lý sử dụng đất lâm nghiệp như tự ý chuyển đổi mục đích, xây dựng công trình trái phép, đốt phá rừng… Đã khởi tố nhiều vụ án, kỷ luật nhiều cán bộ liên quan, song vi phạm vẫn diễn biến phức tạp.

Đây là một nguyên nhân làm giảm sút tài nguyên rừng, dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có nạn cháy rừng. 

Quang Đại