Nicotex và câu chuyện đạo đức doanh nghiệp

ThienNhien.Net – Án phạt hơn 420 triệu đồng mà UBND tỉnh Thanh Hóa dành cho Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái vẫn chưa thể làm yên lòng dư luận, đặc biệt là những người dân trực tiếp bị ảnh hưởng tại huyện Cẩm Thủy. Không ít ý kiến vẫn hoài nghi về mức độ sai phạm của doanh nghiệp cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan. Và một mối băn khoăn bên lề cũng được đặt ra xung quanh vụ việc này là phải chăng hành vi vi phạm của Nicotex chính là một trong những biểu hiện của suy thoái đạo đức doanh nghiệp?

Là một trong những ngành đóng góp vô cùng quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế, song công nghiệp hóa chất nói chung cũng như ngành sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật nói riêng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xấu đối với môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt, mức độ của những rủi ro từ các nguy cơ đó phụ thuộc rất nhiều vào loại hóa chất, phương pháp quản lý sản xuất, cách thức sử dụng cũng như quy trình thải bỏ trong suốt vòng đời của chúng. Và trách nhiệm kiểm soát các rủi ro dạng này trước tiên thuộc về nhà sản xuất kinh doanh hóa chất bởi họ là người hiểu rõ nhất các rủi ro và phương pháp kiểm soát so với một số bên liên quan khác như cơ quan quản lý, giám sát.

Hóa chất tại công ty Nicotex Thanh Thái (Ảnh: Kinh tế Nông thôn)
Hóa chất tại công ty Nicotex Thanh Thái (Ảnh: Kinh tế Nông thôn)

Nicotex vốn là một công ty chuyên về sản xuất (sang chai, đóng gói), kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, và Thanh Thái là một trong số các cơ sở sang chai, đóng gói hóa chất bảo vệ thực vật của đơn vị.

Các loại hoạt chất để sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật (thuốc diệt cỏ, thuốc diệt côn trùng hay sinh vật có hại, thuốc dẫn dụ, thuốc kích thích sinh trưởng…) dù là thế hệ thuốc mới, thân thiện với môi trường, dù được tổng hợp bằng phương pháp hóa học hay chiết xuất từ tự nhiên thì cũng đều là hóa chất hay chủng vi sinh có độ độc nhất định đối với các cơ thể sống.

Thông thường các chất này có độc tính với hệ thần kinh, tiêu hóa hay sinh sản của côn trùng, tuy nhiên với những loại thuốc cũ đã bị cấm nhưng vẫn được lưu hành qua con đường nhập lậu, nhất là thuốc nhập lậu từ Trung quốc thì khả năng có chứa những hợp chất hóa học cực độc là rất lớn, và nhiều trong số đó là chất có tiềm năng gây ung thư cho người khi bị tiếp xúc ở nồng độ cao. Đặc biệt, với những loại hoạt chất kém chất lượng, rất có thể chúng còn chứa nhiều tạp chất, và những tạp chất này có thể độc hơn rất nhiều so với hoạt chất chính (tương tự như dioxin là tạp chất của các quá trình sản xuất thuốc diệt cỏ 2-4 D nhưng độc hơn nhiều lần so với 2,4 D).

Về nguyên tắc, các công ty sản xuất hay sang chai đóng gói hóa chất nói chung và hóa chất bảo vệ thực vật nói riêng phải nắm được các thông tin về tính nguy hiểm của các sản phẩm mình sản xuất, kinh doanh cũng như các giải pháp liên quan đến quản lý an toàn các loại sản phẩm này ở tất cả các khâu sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, sử dụng và thải loại khi chúng là phế phẩm hay chất thải. Đặc biệt, các đơn vị này phải nắm rất rõ tính chất nguy hại của chúng khi ở dạng chất thải được thải vào môi trường để xây dựng các phiếu thông tin về an toàn hóa chất nhằm cung cấp cho người dùng kèm theo mỗi sản phẩm.

Khi các hợp chất có mặt trong nguyên liệu hay sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật đi vào lòng đất với hàm lượng cao và ở những điều kiện có thể không giống với quá trình phân hủy tự nhiên (chẳng hạn như khi được người sử dụng phun trên cánh đồng), các hóa chất này sẽ trở thành một mối nguy hiểm rất lớn cho môi trường không khí, đất, nước, đặc biệt là nguồn nước ngầm. Nếu thiếu các các biện pháp kiểm soát (như rò rỉ, bay hơi), lượng hóa chất sẽ gây nguy hiểm cho cộng đồng bị phơi nhiễm qua đường hô hấp, qua da, qua đường tiêu hóa.

Điều đáng chú ý là để làm sạch môi trường đất và nước khỏi ô nhiễm hóa chất phải mất cả quá trình dài chứ không chỉ chuyện ngày một ngày hai. Trong khi đó, việc tiếp xúc hàng giờ, hàng ngày, hàng năm với các loại hóa chất dạng này sẽ gây nên những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng.

Sự cố rò rỉ chất độc (MIC) tại nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu thuộc Bohpal, Ấn độ có thể coi là một ví dụ điển hình. Sự cố xảy ra cách đây gần 30 năm và gây ảnh hưởng cho khoảng 500.000 người, trong đó gần 2.300 người chết ngay lập tức, 3.700 cái chết sau đó liên quan đến việc phơi nhiễm hóa chất này. Tính đến nay, đã có khoảng 25.000 người chết vì sự cố nghiêm trọng này. Chưa hết, cứ ba cháu bé ra đời tại Bohpal thì có một cháu bị chết hoặc dị tật. Chính phủ Ấn độ đã yêu cầu đơn vị sản xuất phải bồi thường 3,3 tỷ USD cho người dân và địa phương bị ảnh hưởng.

Với trường hợp của Nicotex, một công ty sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trong nhiều năm liền chắc chắn họ phải hiểu rằng việc kéo dài hoạt động chôn lấp hóa chất, chất thải nguy hại trái phép sẽ gây ảnh hưởng như thế nào tới môi trường, sức khỏe con người, và trước tiên gây ảnh hưởng cho chính những công nhân của họ. Tuy nhiên, họ vẫn làm và khi bị phát hiện thì cố tình che giấu hành vi vi phạm bằng mọi cách. Có thể hiểu, ngoài lợi ích kinh tế chi phối mạnh mẽ, nguyên nhân cơ bản và sâu xa có lẽ nằm ở chính ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, khái quát hơn là vấn đề về đạo đức doanh nghiệp.

Pháp luật có chặt chẽ và hoàn chỉnh tới đâu, nếu không có đạo đức doanh nghiệp thì các đơn vị sẽ vẫn tìm đủ mọi cách để lách luật nhằm thu lợi bất chính, bất chấp việc làm đó có thể gây nguy hại cho môi trường và xã hội. Trách nhiệm đối với cộng đồng và môi trường vì thế xuất phát từ chính đạo đức của doanh nghiệp chứ không phải chỉ là để thỏa mãn các yêu cầu của pháp luật.

Hành vi chôn thuốc trừ sâu trái phép của Nicotex không chỉ vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự vô cảm, thiếu trách nhiệm với cộng đồng và với chính bản thân doanh nghiệp, điều mà lẽ ra một nhà sản xuất hóa chất phải hiểu và tôn trọng hơn cả. Bởi trong ngành này, “đạo đức doanh nghiệp” không phải là khẩu hiệu suông mà trên thực tế được coi là tôn chỉ của Tổ chức trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp hóa chất thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất hóa chất Châu Á Thái Bình Dương (APRO), trong đó Việt Nam là một thành viên.

Cụ thể, Tổ chức Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp hóa chất nêu ra sáu quy phạm mang tính cam kết, gồm: doanh nghiệp phải có trách nhiệm với cộng đồng về cung cấp thông tin hóa chất và triển khai kế hoạch ngăn ngừa ứng phó sự cố từ các rủi ro hóa chất; phải ngăn ngừa và giảm thiểu phát thải ô nhiễm vào môi trường; đảm bảo quá trình sản xuất luôn luôn trong điều kiện an toàn; đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động và cộng đồng; phân phối sản phẩm hóa chất an toàn; đảm bảo kiểm soát rủi ro trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm hóa chất của mình.

Điều đáng lo ngại là Nicotex rất có thể chỉ là một trong số không ít những doanh nghiệp có biểu hiện hoặc hành vi suy thoái đạo đức khi đặt lợi nhuận lên trên lợi ích của cộng đồng. Do đó, ngoài việc thắt chặt về mặt pháp lý thông qua hệ thống kiểm tra, giám sát, cũng cần coi trọng việc nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng và tạo điều kiện hơn nữa để người dân được tham gia vào quá trình giám sát các tác động môi trường. Bởi trong vụ việc này, nếu không có sự đồng lòng và quyết tâm từ phía người dân cộng với áp lực từ phía dư luận thì sai phạm của Nicotex rất có thể sẽ bị ỉm đi như những gì mà người dân Cẩm Thủy từng phản ánh từ nhiều năm về trước về doanh nghiệp này.

Đỗ Thanh Bái (Hội đồng Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam)