Chất lượng không khí xấu do đốt rơm rạ

Khoảng hơn 10 ngày nay, ngoại thành Hà Nội đang vào mùa thu hoạch lúa Xuân. Vì thế, tình trạng đốt rơm rạ lại đang tái diễn, khiến chất lượng không khí (CLKK) ở một số khu vực địa bàn TP bị ảnh hưởng.

Tình trạng đốt rơm rạ vô tình thiêu đốt luôn bầu không khí của người dân sở tại.

Theo số liệu quan trắc chỉ số CLKK (AQI) của Sở TN&MT Hà Nội, trong hơn tuần qua, AQI cao nhất tại 2 trạm quan trắc CLKK giao thông Minh Khai và Phạm Văn Đồng lần lượt là 112 và 111, đều giảm so với tuần trước, chủ yếu duy trì mức kém.

Đối với các trạm quan trắc giao thông nội đô, CLKK tại 2 trạm Hoàn Kiếm và Thành Công chủ yếu duy trì ở mức trung bình. Riêng trạm Hàng Đậu, số ngày AQI ở mức kém tăng so với tuần trước đó.

Một trong những nguyên nhân khiến CLKK trên địa bàn TP có xu hướng giảm, được các chuyên gia môi trường nhận định, có thể trong thời gian gần đây, khu vực ngoại thành đang vào mùa thu hoạch lúa, người dân đốt rơm rạ sẽ phát thải các chất khí bụi CO2, CO, NOx vào môi trường, khiến nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng tăng cao đột biến vào thời điểm chiều tối tới đêm khuya.

GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, việc đốt lượng phế thải nông nghiệp khổng lồ này sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO, CO2, NO2, SO2 và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển và hạn chế tầm nhìn giao thông.

Hơn nữa, khói rơm rạ thường có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, ho, hắt hơi, lợm giọng, buồn nôn, thở khò khè hoặc có cảm giác ngạt thở…

Đặc biệt, vào những ngày trời ẩm hoặc đứng gió, khói rơm khuếch tán chậm trong không khí còn gây tác hại dài ngày.

Được biết, để khắc phục tình trạng rơm rạ bị đốt bỏ lãng phí và gây ô nhiễm môi trường, Hà Nội đang triển khai mô hình “Thành phố không đốt rơm rạ” mục tiêu đến năm 2020, sẽ không còn rơm rạ bị đốt bỏ ngoài đồng ruộng.

Năm 2019, Sở TN&MT Hà Nội đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã (còn trồng lúa) xây dựng kế hoạch hạn chế đốt rơm rạ, giới thiệu các giải pháp thay thế như làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi, làm giấy, trồng nấm, làm sản phẩm thủ công… nhằm hạn chế tối đa việc đốt rơm rạ sau thu hoạch.

Từ tháng 5/2019 tới nay, Sở TN&MT đã tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình xử lý rơm rạ và giới thiệu các công nghệ sinh học không ảnh hưởng tới môi trường cho các huyện Ứng Hòa, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ, Ba Vì, Đan Phượng.

Cùng đó, đã tiến hành hỗ trợ 10% kinh phí; các quận, huyện, thị xã hỗ trợ 30% kinh phí để xử lý rơm rạ và còn lại do người dân tự chi trả nhằm xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Nhờ đó, tình trạng đốt rơm rạ năm nay đã giảm đáng kể so với các năm trước.

Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, hiện một số địa phương vẫn còn tình trạng đốt rơm rạ, rơm chưa được xử lý hiệu quả.

Nguyên nhân là do nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt rơm rạ đến đời sống, sức khỏe và môi trường còn hạn chế.

Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có các quy định, chế tài cụ thể đối với việc đốt rơm rạ; quyết tâm vào cuộc của nhiều địa phương trong xử lý triệt để tình trạng đốt rơm rạ chưa cao…

“Để hoàn thành mục tiêu TP đặt ra đến năm 2020 “Thành phố không đốt rơm rạ” và tránh lãng phí tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường từ rơm rạ, rất cần sự chung tay nỗ lực của các cơ quan chức năng, DN và người dân.

Chỉ khi nào nhận thức rõ giá trị của rơm rạ, có cách tái sử dụng, xử lý rơm rạ hiệu quả, khi đó mới không còn tình trạng đốt bỏ rơm rạ trên những cánh đồng sau mỗi vụ thu hoạch” – ông Mai Trọng Thái nhận định.