Bão số 7 "dữ " ngang ngửa bão Linda năm 1997

ThS. Lê Thị Xuân Lan – Phó Trưởng Phòng Dự báo và Phục vụ – Đài Khí tượng Thuỷ văn Nam Bộ cảnh báo: bão số 7 (Hagibis) có thể tàn phá nhanh và mạnh không kém bão Linda (tháng 11/1997), từng gây tổn thất rất lớn về người (khoảng 3.000 nạn nhân chết và mất tích).

Liên tục mạnh thêm

Ngày 18/11, tại vùng biển phía đông nam đảo Mindanao – Philippines, một áp thấp nhiệt đới hình thành, mạnh lên nhanh chóng. Đến 7h sáng ngày 20/11, đã đi vào biển Đông và trở thành áp thấp nhiệt đới thứ 9 trên biển này.

Sau đó, 1h sáng ngày 21/11, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 7 – bão Hagibis (trong tiếng Phillipines, Hagibis có nghĩa là chim én).

“Từ khi hình thành cho đến nay, áp thấp nhiệt đới này mạnh lên liên tục. Việt Nam dự báo, sáng nay, 21/11, cơn bão này đang đi qua quần đảo Trường Sa. 7h sáng ngày 22/11, bão số 7 sẽ vượt qua quần đảo Trường Sa tiến về các tỉnh Nam Trung Bộ cho đến Nam Bộ” – ThS. Xuân Lan nói.

Đến 7h sáng ngày 23/11, cơn bão ở khoảng 10,4o vĩ Bắc và 111o kinh Đông, tức là cách bờ biển Phan Thiết 300km về phía Đông – Đông Nam, cách Côn Đảo 300km về phía Đông – Đông Bắc. Vị trí này ngang vĩ độ với Bà Rịa – Vũng Tàu, cách Bà Rịa khoảng 350km về phía Đông.

Khả năng qua quần đảo Trường Sa, bão số 7 sẽ tiếp tục mạnh lên nhiều nữa. Qua bản đồ theo dõi bão trên biển Đông, đường đi của cơn bão gần như theo một đường thẳng. Nhìn chung, bão sẽ gây ảnh hưởng từ Ninh Thuận – Bình Thuận đến mũi Cà Mau, trong đó có TP.HCM.

“Đây là cơn bão cực kỳ nguy hiểm. Vị trí hiện nay của bão Hagibis tương tự như cơn bão Linda – cơn bão số 5 của năm 1997. Ngày 24/11, bão số 7 có thể đổ bộ vào bờ,” ThS. Xuân Lan dự báo.

Bão số 7 được Đài Khí tượng Thuỷ văn Nam Bộ dự báo dữ ngang ngửa bão Linda. Đầu tháng 11/1997, bão Linda hình thành tại khu vực Trường Sa, tiến vào Cà Mau sau 48 giờ, rất nhanh và rất mạnh. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ, kể cả Khánh Hoà, cũng bị ảnh hưởng do cơn bão này. Bão Linda gây tổn thất rất lớn về người: khoảng 3.000 người chết và mất tích trong bão.

Cuối năm, bão nối bão

Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn Nam Bộ, mùa mưa bão năm nay khác mọi năm ở chỗ mưa nhiều và bão muộn, dồn dập vào các tháng cuối năm. Đến tháng 7 mới có những cơn áp thấp nhiệt đới mạnh.

Liên tiếp trong 5 ngày cuối tháng 11/2007, hai cơn bão cùng vào biển Đông, đều hướng đến vùng biển Việt Nam. Vào ngày 25/11, ngay sau bão số 7 (Hagibis), một cơn bão khác có tên Mitag (trong tiếng Micronesia, Mitag là tên một người phụ nữ) sẽ đổ bộ vào biển Đông với cường độ mạnh hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, hiện nay bão Mitag còn ở rất xa, nên tất cả mô hình đang dự báo cho thấy bão sẽ ảnh hưởng đến khu vực từ Khánh Hoà trở xuống mũi Cà Mau.

“Cho đến giờ phút này, tất cả dự báo trong nước và quốc tế, đều cảnh báo, bão Mitag sẽ ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Bình Thuận cho đến Cà Mau. Trong đó, trọng điểm ảnh hưởng là từ Bà Rịa Vũng Tàu cho đến mũi Cà Mau. Đó là một điểm rất nguy hiểm”, ThS. Xuân Lan cho biết.

So sánh 2 cơn bão Mitag và Hagibis với bão Durian (bão số 9, năm 2006), ThS.Lan cho biết hoàn lưu (ảnh mây) của bão Durian nhỏ hơn hẳn. Trong khi bão Durian càn quét qua các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang, khiến 73 người chết, 31 người mất tích.

Thêm vào đó, phía sau cơn bão Mitag, một cơn bão khác đang lấp ló hình thành.