Hơn 100.000 trẻ em Ấn Độ tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí

Bầu không khí ô nhiễm tại các thành phố và thị trấn của Ấn Độ là nguyên nhân khiến hơn 100.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở nước này tử vong mỗi năm.

Theo một báo cáo được công bố nhân Ngày Môi trường Thế giới (5/6), bầu không khí ô nhiễm tại các thành phố và thị trấn của Ấn Độ là nguyên nhân khiến hơn 100.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở nước này tử vong mỗi năm.

Ảnh: Internet

Báo cáo mang tên “Tình hình môi trường của Ấn Độ” do Trung tâm Khoa học và Môi trường của nước này thực hiện, cho biết ô nhiễm không khí là thủ phạm gây ra 12,5% số trường hợp tử vong tại Ấn Độ.

Báo cáo cũng phát hiện thấy 86% nguồn nước của nước này bị “ô nhiễm nghiêm trọng”. Báo cáo cho biết việc cải thiện của Ấn Độ trong năng lượng tái tạo năm 2018-2019 cũng rất “thảm hại.”

Tính tới tháng 5/2019, 280.000 xe điện được đưa vào sử dụng tại nước này, một phần rất nhỏ so với mục tiêu mà New Delhi đề ra là 15-16 triệu chiếc vào năm 2020.

Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã tăng hơn 20% từ năm 2010 đến 2014 khi nhà máy phát điện chạy bằng khí đốt hoạt động ở mức 24% công suất trong khi các nhà máy thủy điện chỉ ở mức 19%.

Trong khi đó, Ấn Độ chỉ đáp ứng được 6,3% mục tiêu về năng lượng gió, và 5,86% mục tiêu về năng lượng Mặt Trời.

Ấn Độ cũng ghi nhận mức tăng 56% về số lượng các ngành công nghiệp tạo ra chất thải độc hại từ năm 2009 đến 2017 trong khi số lượng các ngành công nghiệp gây ô nhiễm tăng 136% từ năm 2011 đến 2018.

Ấn Độ đã không thể giải quyết được những lo ngại về ô nhiễm môi trường. Trong năm 2018, một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết trong số 15 thành phố ô nhiễm nhất thế giới thì có tới 14 thành phố là của Ấn Độ.