Kon Tum: Nâng cao nhận thức bảo vệ rừng nhờ vào chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại Kon Tum, chính sách này không những chỉ giúp cho người dân và chính quyền các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt hoạt động quản lý, bảo vệ rừng mà còn đang phát huy những hiệu quả thấy rõ trong việc phát triển sinh kế, ổn định đời sống, nâng cao ý thức và trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng của người dân.

Báo cáo viên của Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum trình bày tại Hội nghị

Thực hiện kế hoạch truyền thông năm 2019, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum sẽ thực hiện 59 hội nghị cấp xã để tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR. Đồng thời, hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền DVMTR hiệu quả thông qua các mô hình sinh kế. Việc lồng ghép hướng dẫn phát triển sinh kế cho các hộ dân, cộng đồng dân cư thôn trên địa bàn được xem là điểm thu hút sự chú ý của người dân để họ được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển sản xuất, từ đó thấy rõ được tầm quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ rừng để được hưởng tiền DVMTR.

Đặc biệt, chương trình tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR lồng ghép với hướng dẫn phát triển sinh kế được thực hiện ở những địa phương có người dân được Nhà nước giao đất, giao rừng; người dân nhận khoán bảo vệ rừng của các chủ rừng là tổ chức và kể cả các địa phương có rừng nhưng chưa khoán cho người dân, nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về lợi ích của rừng. Từ đó, có trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng.

Xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) là xã vùng cao với 95% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 10 thôn thuộc xã thì chỉ có 05 thôn nhận giao khoán bảo vệ rừng. Vì vậy, ý thức của người dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng không đều, một số thôn vẫn còn tình trạng lén lút khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy.

Do đó, những chương trình tuyên truyền do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum thực hiện nhiều năm nay tại xã có ý nghĩa rất to lớn. Nhờ được tham gia các chương trình tuyên truyền hằng năm, đến nay, tất cả người dân trên địa bàn xã Đăk Trăm đã dần hiểu được lợi ích của rừng, không còn tình trạng khai thác hay lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy.

Đó cũng là lý do giải thích vì sao trong buổi tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR mới đây tại xã Đăk Trăm, hầu hết người dân tham gia đã không còn xa lạ với chính sách chi trả DVMTR. Anh A Vu (26 tuổi, thôn Đăk Trăm, xã Đăk Trăm) chia sẻ: “Bảo vệ rừng chính là bảo vệ môi trường sống của con người, giữ gìn nguồn nước, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Rừng được bảo vệ tốt là nhờ chính sách chi trả DVMTR đã giúp bà con có công ăn việc làm, có nguồn vốn sản xuất để ổn định đời sống, không còn xâm phạm đến rừng nữa”.

Người dân tham gia thảo luận nhóm về chính sách chi trả DVMTR để phát triển sinh kế

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, các thôn có nhận khoán bảo vệ rừng tại xã Đăk Trăm còn thành lập các tổ bảo vệ rừng. Mỗi tổ gồm 3-5 thành viên, phân công nhau đi tuần tra rừng thường xuyên để kịp thời phát hiện những trường hợp chặt phá hay lấn chiếm đất rừng. Nhờ được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR và được khai thác lâm sản phụ nên xã Đăk Trăm hầu như không còn tình trạng xâm hại đến rừng.

Ông Trương Đình Tuệ – Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm cho biết: “Ngoài việc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tuyên truyền hàng năm, Chính quyền xã Đăk Trăm đã phối hợp với lực lượng Kiểm lâm địa bàn, Công an xã tuyên truyền đến từng thôn, làng để người dân bảo vệ rừng, vận động người dân ký cam kết không xâm lấn đất rừng; cộng thêm việc hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR đã khiến người dân dần nâng cao nhận thức và có trách nhiệm hơn trong quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương”.

 

 

 

Nguồn: