Ô nhiễm từ nội thành ra ngoại thành – Bài 1

Đoạn trường ai có… di dời mới hay!

ThienNhien.Net – Hơn 1.400 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đã phải di dời vào khu sản xuất tập trung, vùng phụ cận hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất giai đoạn từ năm 2003 – 2007. Thế nhưng, kết quả của giai đoạn di dời này lại phát sinh những điểm nóng ô nhiễm nghiêm trọng khác tại các quận, huyện ngoại thành.

Kiệt sức vì di dời

Đại diện Công ty Trường Nhật Thành – một trong những doanh nghiệp phải di dời ở quận 8 TPHCM cho biết, trụ sở công ty đang hoạt động tại quận 8 đã qua một lần di dời từ quận 5 sang. Vào thời điểm đó, chủ trương của quận chỉ chung chung cho phép doanh nghiệp di dời ra vùng phụ cận. Vì thế công ty đã chọn khu vực phường 16, quận 8 làm điểm đến. Lúc đó, nơi đây còn rất hoang sơ, chỉ có ruộng, đầm lầy chứ không có nhà dân. Tuy nhiên, gần 10 năm sau, tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo dân cư tập trung quanh công ty đông nên công ty lại nhận được quyết định di dời thêm lần nữa.

Căn cứ theo quyết định, cuối tháng 10-2014 công ty phải chuyển đi. Để chủ động việc di dời lần này, công ty đã liên hệ với tỉnh Tây Ninh để chọn điểm đến. Nhưng ngặt nỗi, khi công ty được cấp phép đầu tư chỉ cần đạt yêu cầu xử lý nước thải loại B. Thế nhưng, đến nay khi nhà máy đã xây xong thì tỉnh lại yêu cầu phải nâng cấp nước thải sau xử lý sang loại A. Vậy là phải đình trệ sản xuất để điều chỉnh dự án đầu tư. Đáng nói hơn, mỗi lần di dời hay điều chỉnh đầu tư dự án là một lần doanh nghiệp kiệt sức. Chỉ tính riêng lần di dời này, công ty đã phải vay thêm của ngân hàng hơn 80 tỷ đồng.

Chất thải công nghiệp vứt bên một nhà máy tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM (Ảnh: Cao Thắng/Sài Gòn Giải Phóng)
Chất thải công nghiệp vứt bên một nhà máy tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM (Ảnh: Cao Thắng/Sài Gòn Giải Phóng)

Khác với trường hợp Công ty Trường Nhật Thành, những cơ sở sản xuất nhỏ hơn thường chọn những khu vực ngoại thành để di dời. Thế nhưng, hậu quả sau việc di dời của họ chỉ là sự dịch chuyển ô nhiễm từ khu vực nội thành ra ngoại thành. Đơn cử như cơ sở Vũ Văn Rạng, khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Đây là cơ sở ô nhiễm từ nội thành di dời tự phát ra phường Đông Hưng Thuận. Tại phường này, cơ sở lại tiếp tục gây ô nhiễm hơn 10 năm nay nên bị cơ quan chức năng quận 12 buộc phải di dời tiếp. Do không được hướng dẫn điểm đến nên cơ sở đã tự di dời về huyện Củ Chi và tại đây cơ sở lại tiếp tục gây ô nhiễm cho khu vực này. Đại diện UBND quận Gò Vấp cho biết, việc buộc các doanh nghiệp phải di dời là chuyện chẳng đặng đừng, bởi có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làm ăn chân chính. Dĩ nhiên, vào thời điểm này, không chấp nhận việc sản xuất gây ô nhiễm môi trường nhưng phải thấy rằng mỗi lần di dời là mỗi lần doanh nghiệp kiệt sức. Trong khi đó chính sách cho vấn đề di dời lại chưa rõ ràng.

Nhiều “điểm nóng” ô nhiễm

Chương trình di dời giai đoạn 2003 – 2007 xác định có hơn 1.400 cơ sở trong khu dân cư nội thành phải chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời vào khu vực sản xuất tập trung và các vùng phụ cận. Thế nhưng, thực tế tại thời điểm đó, thành phố không có đủ hạ tầng tiếp nhận nên có thêm quy định cho phép di dời vào khu vực lân cận. Điều này kéo theo hệ quả là ô nhiễm chuyển từ nội thành ra vùng ngoại thành mà các quận, huyện Bình Tân, Bình Chánh, quận 12, Hóc Môn và Củ Chi đang phải hứng chịu.

Đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết, trên địa bàn huyện hiện đang tồn tại 600 cơ sở sản xuất nhỏ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Phần lớn những cơ sở này được hình thành sau khi kết thúc chương trình di dời của thành phố. Đồng thuận với quan điểm này, ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, quận được xem là vùng phụ cận để dịch chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm từ khu vực nội thành. Điểm nóng nhất là hình thành làng dệt nhuộm, hồ sấy, giặt tẩy gây ô nhiễm nghiêm trọng tại khu vực Bình Hưng Hòa A. Chưa hết, tại những khu công nghiệp Tân Tạo và Vĩnh Lộc, nơi tiếp nhận nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm từ khu vực nội thành, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.

Ông Cao Tung Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định, sau khi kết thúc giai đoạn di dời 2003 – 2007, trên địa bàn thành phố lại xuất hiện một số khu vực nóng về ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 3.300 nguồn thải. Trong đó, có 2.970 nguồn thải cần phải đầu tư hệ thống xử lý để đảm bảo nước thải phát sinh sau sản xuất không gây ô nhiễm môi trường. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tại một số khu vực ngoại thành như các khu công nghiệp Tân Phú Trung, Lê Minh Xuân và tại 12 doanh nghiệp thuộc huyện Hóc Môn, 36 doanh nghiệp thuộc huyện Bình Chánh, 5 cơ sở sản xuất dệt nhuộm đang hoạt động tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân…đang trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

Bài 2: Chuẩn bị điểm đến an toàn.